Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại

Con tàu thời gian càng chạy nhanh về kỷ nguyên số càng “kéo” trẻ em hiện đại đến gần hơn với Facebook, Tik Tok và hàng loạt thành tựu tiên tiến khác của nền khoa học công nghệ. Giữa dòng chảy ấy, trò chơi dân gian - nét đẹp văn hóa từng là hoàng kim một thuở dường như bị lép vế và mờ nhạt dần...

*****

Dù Olympic trò chơi dân gian đã khép lại từ năm 2018, Dự án học đường “Trò chơi dân gian cùng em bảo vệ môi trường” cũng bị chững lại vì dịch bệnh suốt 3 năm qua, nhưng những thành viên trẻ giàu khát vọng, nhiều ước mơ trong nhóm "Sân đình" vẫn luôn tìm cơ hội để biến những ý tưởng hay về văn hóa dân gian trở thành hiện thực.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 1

Đó là quan niệm của những bạn trẻ chung sở thích khám phá vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian trong nhóm Sân đình. Cái tên mộc mạc khiến người ta nhớ về mái nước, sân đình, về những điều xưa cũ, vừa quen vừa lạ với nhịp sống hiện đại xô bồ. Giữa lúc khoa học công nghệ lên ngôi, tivi, điện thoại trở thành thứ không thể thiếu thì nhóm bạn trẻ Sân đình lại lặng lẽ mang đến Bờ Hồ, phố đi bộ Nguyễn Đình Thi những con chắt, con chuyền, bàn vẽ ô ăn quan… để mọi người dừng chân, sống chậm lại, trở về với miền ký ức đẹp đẽ với những trò chơi dân gian tưởng chỉ còn trong kỷ niệm. Mong muốn duy nhất là xây dựng, duy trì và bảo tồn các trò chơi dân gian Việt Nam không bị mai một, biến mất.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 2
Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 3

Sáu năm trước, Nguyễn Thanh Nga, một thành viên nhóm Sân đình vẫn còn là sinh viên. Giờ đây, khi đã là điều phối viên chương trình trường học và cộng đồng của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, Nga vẫn nhớ như in những nỗ lực không mệt mỏi của cả nhóm hòng “kéo” người lớn và trẻ em thành thị đến gần với trò chơi dân gian.

“Ban đầu chưa nhiều người quan tâm đến hoạt động dân gian hay văn hóa truyền thống, khi chúng mình tổ chức các trò chơi dân gian ở phố đi bộ, rất nhiều các bạn trẻ tỏ mò, người lớn cũng tò mò, nhưng chỉ khiến mọi người tò mò thôi, chứ để kéo họ dừng chân lâu hơn, và để duy trì các trò chơi dân gian ở nơi công cộng thật khó”, Nguyễn Thanh Nga kể lại.

Khi nhận ra những trò chơi dân gian dường như không còn vừa vặn với bức tranh cuộc sống hiện đại, Nga và các bạn bị thôi thúc phải hiện đại hóa các trò chơi cho thật phù hợp với trẻ con thành phố. “Mình không thể cứ mãi kẻ phấn ngồi lê la chơi ô ăn quan được, phải “chế tạo” bộ đồ chơi truyền thống mang dáng dấp hiện đại”. Nghĩ là làm, Nga cùng các bạn tự vẽ bàn ô ăn quan, tự đi in nhiều bản, rồi chọn hạt nhãn làm đồ chơi thay vì cặm cụi nhặt sỏi cho đủ bộ.

“Hồi ấy cả nhóm tỉ mẩn ăn nhãn, lấy hạt, cặm cụi phơi khô, lau sạch để dành chơi ô ăn quan. Thế mà sau một thời gian ngắn hạt nhãn đã mốc xanh. Chúng mình lại hì hụi đổi sang hạt gỗ”, Nga hào hứng chia sẻ.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 4

Là một trong những người kiên nhẫn theo đuổi ý tưởng nhất, Nguyễn Thị Thùy Vân cho biết: “Ý tưởng đổi hạt nhãn sang hạt gỗ rất hay và khả quan nhưng ngặt nỗi, hạt gỗ gia công rất tỉ mỉ, chỉ hơi mất kiên nhẫn là bỏ cuộc. Cả nhóm không ai bảo ai, hì hụi mua gỗ, nhờ một bạn làm xưởng gỗ cắt hạt nhỏ. Bạn ấy rất nhiệt tình cắt nhưng không có thời gian mài, tất cả thành viên Sân đình phải cùng bò lê la ra mài từng hạt”.

Với một chút “biến tấu”, những trò chơi dân gian quen thuộc giàu bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc đã mang theo cả hơi thở hiện đại, hấp dẫn nhiều người tham gia. Những tâm huyết đó phải người trực tiếp thực hiện mới thấm thía. Nhưng dù rất tha thiết làm nhiều bộ đồ chơi để chia sẻ đến tất cả trẻ em thành phố thì nhóm cũng chỉ làm được số lượng giới hạn, sau đó tạm dừng vì “thiếu kinh phí, bởi hầu hết đều là sinh viên, vô sản”, Nga cười nói.

Sau loạt sản phẩm đồ chơi handmade ngộ nghĩnh của cả nhóm, thị trường bắt đầu có những sản phẩm tương tự bán ra, nhưng Nga, Vân và tất cả các thành viên trong nhóm vẫn luôn nâng niu và nhớ những bộ đồ chơi dân gian handmade đó, vì chúng chứa bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu câu chuyện văn hóa đẹp của nhóm người trẻ yêu truyền thống.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 5

Say những hoạt động giản dị bước đầu, một năm sau đó, nhóm Sân đình đã thực hiện thành công khá nhiều sự kiện ý nghĩa.

Cả nhóm đã viết và bảo vệ thành công đề án để nhận bảo trợ của UNESCO Việt Nam về Ngày trò chơi dân gian Việt Nam 18/8 hàng năm. Ngày hội Olympic trò chơi dân gian Việt Nam 2018 tại khu vực Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) thu hút cả nghìn lượt người tham gia với những trò chơi hấp dẫn: ô ăn quan, đánh đáo, đi cà kheo, nhảy bao bố…. Nhóm trẻ còn làm “sống dậy” đêm Trung thu truyền thống dành cho hơn 200 con em học sinh, công nhân viên nhà máy Ford Hải Dương qua chương trình “Trung thu xanh, chơi an toàn”. Sự kiện nào của Sân đình cũng hừng hực nhiệt huyết, toát lên ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống của người trẻ.

“Đằng sau trò chơi ô ăn quan là câu chuyện về con số 5 linh thiêng của nền văn minh lúa nước, là lối tư duy biện chứng, đúc kết kinh nghiệm đặc trưng của người phương Đông. Đằng sau cây cà kheo là sự bền bỉ, thích nghi với thiên nhiên sông nước… Trò chơi dân gian dạy trẻ em những bài học đầu tiên về cuộc sống: Cách tính toán trong ô ăn quan, cách bước đi qua vùng đầm nước trên chiếc cà kheo, cách dùng tay khéo léo khi nhúp những que chuyền, bện đan con tôm, con dế… Và hơn thế nữa, trò chơi dân gian giúp gắn kết các thành viên, thế hệ trong một gia đình”, Nguyễn Thanh Nga chia sẻ.

Kể chuyện văn hóa bằng trò chơi dân gian - Bài 3: Chút biến tấu để dân gian mang hơi thở hiện đại ảnh 6

“Lúc đầu nhóm Sân đình dự định thực hiện sự kiện đầu tiên về tập tục đi chùa, về cách các bạn trẻ thực hiện lễ nghi, phong tục tại chùa, đình và ý nghĩa của tập tục này. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp với rất nhiều tranh luận, cả nhóm dần chuyển hướng sang trò chơi dân gian. Có thể do các thành viên có điểm chung là tuổi thơ gắn liền với trò chơi dân gian. Hơn nữa, cả nhóm cũng nhận ra trò chơi dân gian không chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần mà còn ẩn chứa rất nhiều giá trị về văn hóa, tinh thần và phát triển các kỹ năng cho trẻ”, Nguyễn Thị Thùy Vân cho biết.

Những trò chơi dân gian trong kí ức của các thành viên Sân đình không đơn thuần chỉ là trò chơi giải trí, mà chứa đựng câu chuyện về văn hóa, truyền thống, chuyển tải những bài học giản dị, lắng đọng của ông cha để lại. Sân Đình với những người trẻ yêu văn hóa dân gian còn mong muốn làm nhiều hơn thế, đưa trò chơi dân gian trở thành phương pháp giáo dục về môi trường tại trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội với dự án “Trò chơi dân gian cùng em bảo vệ môi trường”.

Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thị Thùy Vân, Nguyễn Hằng Loan..., những người trẻ xây viên gạch đầu tiên về trò chơi dân gian của nhóm Sân đình đã luôn cố gắng thực hiện thật chỉn chu, chuyên tâm để kể các câu chuyện văn hóa bằng trò chơi. Sau 3 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, những ý tưởng nay tạm dừng lại, mỗi thành viên giờ đã hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng họ vẫn luôn gìn giữ ký ức đẹp đó, dù chưa thể xây lại rực rỡ như ban đầu.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp các trò chơi dân gian, nhóm Sân đình còn tiên phong tìm hiểu, khám phá những nét đẹp văn hóa cổ truyền nói chung để chia sẻ và lan tỏa đến cộng đồng, nhất là người trẻ hiện đại. Khi nghiên cứu về Đạo Mẫu, khi lại ngân nga điệu Chèo, Quan họ... Tất cả các thành viên trong nhóm vẫn giữ liên hệ với nhau, vẫn chia sẻ những sở thích chung, đặc biệt vẫn đang giữ lửa đam mê, chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian. Để rồi, sẽ có một ngày, ý tưởng lớn đủ sức sống dậy thêm một lần nữa.

TIN LIÊN QUAN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.