Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm với cơ sở vật chất, các hoạt động, dịch vụ về đêm đã cơ bàn được hình thành, môi trường du lịch cơ bản được an toàn, thân thiện, hằng năm thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, lâu nay, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Khánh Hòa mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, chưa tạo dấu ấn khác biệt so với các hoạt động trong khung giờ truyền thống.
Phạm vi hoạt động của kinh tế ban đêm chủ yếu tập trung vào nhóm dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm, du lịch và hoạt động sản xuất phục vụ cho ngành Dịch vụ, Du lịch phát triển kinh tế ban đêm diễn ra với khung thời gian hoạt động cụ thể ở từng khu vực nhằm đảm bảo an toàn xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân và khách du lịch.
Các huyện, thị xã, thành phố tùy theo đặc điểm, điều kiện của địa phương, rà soát, đề xuất một số khu vực phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm gắn với khung thời gian hoạt động kinh tế ban đêm của từng địa điểm, đảm bảo phục vụ khách du lịch với các nhóm dịch vụ.
Tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai phát triển kinh tế ban đêm thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu từ năm 2023 - 2025, bằng cách lựa chọn tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có.
Tỉnh chú trọng tổ chức hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí như: phố đêm, phố đi bộ, các show diễn, hoạt động bar, vũ trường, các chuỗi sự kiện; các dịch vụ ăn uống, mua sắm; dịch vụ tham quan du lịch về đêm: nâng cấp và đa dạng tour tham quan đường thủy nội địa, tour tham quan thưởng ngoạn; tổ chức dịch vụ tham quan vào ban đêm tại điểm văn hóa lịch sử, các khu điểm du lịch lớn...
Giai đoạn tiếp theo dự kiến từ năm 2026 - 2030, bao gồm hoàn thành định hướng, mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh, qua đó kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế ban đêm, trong đó xây dựng một số khu tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, có quy mô lớn.
Hiện nay, địa bàn tỉnh có 1.148 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 54.000 phòng, trong đó số cơ sở đạt chuẩn 3-5 sao được công nhận là 99 cơ sở với 23.626 phòng; 166 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành… Khánh Hòa đã đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế và 4,3 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 7 triệu lượt khách quốc tể và 6,8 triệu lượt khách nội địa. Kinh tế ban đêm sẽ đóng vai trò thúc đẩy để đạt được những mục tiêu nói trên.
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động vãn hóa, vui chơi giải trí về đêm tại khu vực bãi biển Nha Trang (thành phố Nha Trang), khu vực Bãi Dài Cam Ranh (huyện Cam Lâm) bãi biển Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa), các khu tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt...
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Khánh Hòa không thuộc đối tượng được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ hôm sau. Căn cứ cơ chế chính sách pháp luật được ban hành, tỉnh thực hiện các hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm diễn ra với khung thời gian hoạt động cụ thể tại một số khu vực địa bàn và khu, điểm du lịch trên cơ sở đề xuất của các sở chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để phù hợp với lợi thế, điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, khả năng bố trí nguồn lực và huy động, thu hút đầu tư.