Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh, thành phố ở khu vực Trung bộ có loại hình nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa vừa có nét chung nhưng cũng mang những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa cũng như 8 tỉnh, thành phố còn lại, việc lưu giữ, truyền dạy, phổ biến, quảng bá nghệ thuật bài chòi mới chỉ dừng lại ở phương pháp trực tiếp, truyền thống, chưa có địa phương nào thực hiện việc số hóa dữ liệu bài chòi để tận dụng sức mạnh của mạng Internet. Đây là một khoảng trống cần được khỏa lấp để việc tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu nghệ thuật bài chòi trong thời kỳ công nghiệp 4.0 trở nên thuận lợi hơn.
Nhạc sĩ Hình Phước Liên cho rằng, hiện nay, số người biết hô hát bài chòi nhiều nhưng số lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, trình diễn nghệ thuật bài chòi đúng bài bản, cách thức thì còn rất ít và đều lớn tuổi. Vậy nên, chúng ta cần ghi âm, thu hình giọng hát, cách trình diễn của những người này và phổ biến rộng rãi để nhiều người biết, học theo cách hát, cách diễn của những nghệ nhân đó. Làm được vậy, chúng ta sẽ góp phần hình thành nên thế hệ những người biết hô hát bài chòi theo chuẩn mực nhất định.
Tháng 4-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa. Trong đó, có nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về tư liệu, hiện vật, kịch bản lớp hô, tuồng tích, nhạc cụ, trang phục, công trình nghiên cứu, nghệ nhân, câu lạc bộ diễn xướng bài chòi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa, mới đây, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đồng ý giao cho sở thực hiện đề án: Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa. Theo đó, trong 2 năm, những người thực hiện đề án sẽ nghiên cứu tổng hợp cơ sở lý luận, thực tiễn nghệ thuật diễn xướng bài chòi và số hóa cơ sở dữ liệu; lập hồ sơ khoa học các tư liệu và sưu tầm nguồn tư liệu; phân tích thiết kế hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu bài chòi dân gian…
Với đề án này, kỳ vọng của nhóm tác giả thực hiện là sẽ làm rõ các loại hình trình diễn bài chòi trong đời sống cộng đồng dân cư ở Khánh Hòa. Trên cơ sở tìm hiểu thực tế, nhóm tác giả sẽ lập hồ sơ khoa học, sưu tầm tư liệu, hiện vật, kịch bản lớp hô, tuồng tích, hiện vật, trang phục, nghệ nhân, nhóm diễn xướng bài chòi. Từ đó, xây dựng nên phần mềm quản lý dữ liệu, thực hiện số hóa dữ liệu để đưa lên mạng Internet với những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian. “Với đề án này, chúng ta sẽ xây dựng được một kho cơ sở dữ liệu có tính khoa học, trực quan, dễ dàng sử dụng, quản lý cho nghệ thuật bài chòi. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nghệ thuật bài chòi với các tính năng hoạt động ổn định, hữu ích cho người dùng, người quản lý sẽ góp phần quan trọng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trong thời kỳ công nghệ số”, ông Lê Văn Hoa cho biết.