Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung ngày 17/12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, giữa tháng 10 đến nay, miền Trung xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ bất thường.
Điển hình từ 30/10 đến 10/11, lũ xảy ra trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên kéo dài hơn 10 ngày. Tiếp theo là các đợt ngày 30/11-9/12, lũ diễn ra diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Chỉ ba ngày sau, miền Trung lại đón đợt lũ mới bắt đầu ngày 12/12 trên phạm vi rất rộng Quảng Bình - Ninh Thuận và lên cả Gia Lai với lượng mưa có nơi 600-700 mm, gây lũ đặc biệt lớn ở khu vực này.
Tổng lượng mưa trong khoảng 2 tháng qua nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500 mm như Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) 2.600 mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.700 mm.
Mưa lớn khiến lũ các sông lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kone, sông Ba. Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng xảy ra ở tất cả các tỉnh; nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, đời sống người dân trong vùng thiên tai bị tổn thất nặng nề.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ hai tháng qua làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; hơn 300.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.500 tỷ đồng.
Riêng đợt mưa lũ ngày 12-16/12 làm 15 người chết, mất tích. Trong đó, Bình Định nhiều nhất với 6 người chết và 5 mất tích, Thừa Thiên Huế 3 người, Khánh Hòa 1 người.
Lần đầu tiên người dân Bình Định hứng mưa lũ liên tiếp. |
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định "lần đầu tiên chúng tôi phải dùng từ đặc biệt lớn với đợt lũ này", bởi nó đang lặp lại lịch sử của năm 2013.
Ông Cường cho biết thêm, mưa sẽ giảm dần từ ngày mai và lũ sẽ xuống. Tuy nhiên khoảng cuối tháng mưa lớn gia tăng trở lại nên người miền Trung không được chủ quan, lượng mưa có thể lên 200-300 mm.
Bình Định "quay lại 10 năm trước"
Là một trong địa phương chịu hậu quả nặng nề của những đợt mưa lũ, chủ tịch UBND Bình Định Hồ Quốc Dũng nói: "Lần đầu tiên chúng tôi hứng chịu lũ khủng khiếp như vậy. Hiện vẫn còn 70 xã bị chia cắt, hàng nghìn người chưa được về nhà, toàn bộ hệ thống giao thông ngập trong nước, 14 hồ chứa chảy qua thân đập dẫn đến nguy cơ vỡ đập. Ít nhất 31 người chết, 10 người bị thương và hàng chục nghìn ngôi nhà ngập và đổ sập. Ông Dũng cho biết đã bỏ rất nhiều ngân sách để khắc phục hậu quả.
Cho rằng sau 5 đợt mưa lũ, cơ sở hạ tầng của Bình Định đã quay lại "10 năm về trước" nên theo ông Dũng, nếu Chính phủ hỗ trợ vài trăm tỷ đồng cũng không thay đổi được nhiều. Bên cạnh đó, 50.000 học sinh của tỉnh đang đối mặt với tình trạng bỏ học bởi toàn bộ sách vở của các em đã bị lũ cuốn, tiền học phí không có để trang trải.
Chủ tịch tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ giành một gói ODA để tái thiết, khôi phục cơ sở hạ tầng cho Bình Định và các tỉnh miền Trung nói chung.
Các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cũng đề nghị sự giúp đỡ về ngân sách do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lũ vừa qua.
Thủ tướng: Không để dân chịu cảnh 'màn trời chiếu đất'
Gửi lời thăm hỏi, chia buồn với thân nhân các gia đình có người thiệt mạng do mưa lũ, chia sẻ khó khăn với miền Trung, Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ vùng thiên tai nặng, không để người dân lâm cảnh "màn trời chiếu đất", tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông bình thường, chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông xuân mới.
Hiện nước chưa rút hẳn nên Thủ tướng lưu ý việc đầu tiên các địa phương cần làm là ứng phó, cứu hộ kịp thời không để thiệt hại tiếp tục xảy ra, đặc biệt là an toàn các hồ đập. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương tập trung cứu dân, không để đói, khát, bệnh tật, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó.
"Phòng chống mưa lũ là điều kiện để thử thách khả năng lãnh đạo của các địa phương xem các đồng chí có sát dân không, có sáng tạo và quyết liệt không? Từ đó làm sao khắc phục sớm hậu quả thiên tai, ổn định đời sống người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Từ đầu năm đến nay, thiên tai làm 235 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 37.600 tỷ đồng" - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mưa đã giảm, lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống, hiện ở mức báo động 2-3. Trưa mai, mực nước các sông tiếp tục xuống và chủ yếu ở mức báo động 1-2. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng tiếp diễn tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai; còn Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hòa giảm dần. |
Theo Vnexpress