Đã bắt đầu hơn 700 năm
Thể loại kinh dị Việt sở hữu một lịch sử lâu đời với minh chứng sớm nhất còn tồn tại đến ngày nay là cuốn Lĩnh Nam chích quái, có niên đại vào cuối thời kỳ nhà Trần. Sau giai đoạn này, dù xã hội phong kiến bắt đầu bước sang chế độ Nho giáo hà khắc, triệt bỏ mê tín, nhưng bóng dáng của những truyện ký mang màu sắc liêu trai huyền ảo, với nhân vật trung tâm là thần tiên, ma quỷ vẫn hiển hiện trong các sáng tác trứ danh đương thời. Đó là Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục, Lý Tế Xuyên với Việt điện u linh, Lê Thánh Tông với Thánh Tông di cảo hay Đoàn Thị Điểm với Tục truyền kỳ.
Cho tới những năm đầu của thế kỷ 20, sự xuất hiện của văn hóa và hệ tư tưởng Pháp đã mở cửa cho hàng loạt các trào lưu văn học thế giới tràn vào nước ta, khuyến khích các tên tuổi “vang bóng một thời” dấn thân vào địa hạt sáng tác kinh dị. Nổi bật ở thời kỳ này có thể kể đến Thế Lữ với Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, TchyA Đái Đức Tuấn với Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya, Nhất Linh với Bóng người trong sương mù,...
Hai tác phẩm Ai hát giữa rừng khuya cùng Vàng và máu đã được tái bản trong bộ “Việt Nam danh tác”. |
Dù đã kịp để lại dấu ấn trong dòng chảy của văn học dân tộc, nhưng tựu trung, những sáng tác này đã nhanh chóng chìm vào quên lãng giữa khói lửa của hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trải qua hàng chục năm, phải đến cuối thế kỷ 20, thể loại kinh dị mới có cuộc hội ngộ cùng người đọc qua những tên tuổi đã thành danh trên văn đàn như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê,… Tuy cũng chỉ được coi là cuộc dạo chơi chớp nhoáng bởi còn nhiều rào cản đến từ thời cuộc, nhưng đội ngũ nhà văn kể trên đã có công “gỡ rào”, khơi nguồn cho thế hệ tác giả trẻ của thế kỷ mới.
Nở rộ thế hệ người viết không chuyên…nhưng hút khách
Thế Hưng (bút danh Cú Heo), một cây viết có hơn 10 năm gắn bó với thể loại truyện kinh dị trên mạng Internet, cho biết vào khoảng 7-8 năm về trước là thời kỳ thống trị của truyện kinh dị Trung Quốc với một thị trường tràn ngập tiểu thuyết đạo mộ, huyền huyễn, phiêu lưu kỳ bí… Tuy nhiên, ngay từ thời điểm ấy cũng đã có một số ít cây bút Việt không chuyên thử sức với mảng đề tài này, với các tác phẩm được đăng trên voz.com, truongton.net…
Sau một thời gian, cùng sự biến đổi của xu thế thị trường, truyện Trung Quốc trở nên thoái trào, để lại một khoảng không rộng rãi hơn cho các cây bút Việt khai phá, thử thách bản thân. Thêm vào đó là sự xuất hiện của những Youtuber và những kênh audio kể chuyện ma, thể loại kinh dị Việt có thêm sân khấu mới, kết nối người viết với khán thính giả.
“Tôi thấy một tín hiệu đáng mừng là có nhiều cây bút không chuyên nhưng chắc tay, không ngại bỏ công tìm tòi. Xu thế của chúng tôi hiện tại đang là bám sát mảng kinh dị dân gian, đan xen chất liệu cổ tích với yếu tố huyền sử. Điều này không chỉ khiến tác phẩm trở nên thân quen với người đọc, mà còn đánh vào thị hiếu 'người Việt dùng hàng Việt' của độc giả đương thời”, tác giả Thế Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, văn học kinh dị Việt trên mạng Internet và cả chính thống cũng đang có những đóng góp mang tính mới mẻ, làm phong phú thêm thể loại qua việc đào sâu, khai thác cốt truyện mới.
Xu hướng nghe audio truyện ma, truyện kinh dị đang rất phát triển tại Việt Nam. |
Đơn cử có thể nhắc tới ba khuynh hướng chính được các tác giả khai thác trên thị trường kinh dị Việt là nhánh “truyện thần quái” với những khám phá về thế giới bùa chú, đạo sĩ, linh dị; nhánh “truyện ma thuần túy” vẫn theo hướng truyện ma có thật, truyện ma dân gian; và nhánh “truyện tâm linh” tập trung vào những trải nghiệm mới qua tâm linh, tạo cảm giác ám ảnh. Đây là những lối đi ít thấy hoặc chưa từng được khai thác ở thế hệ cầm bút đi trước.
Đặc biệt, nhánh “truyện tâm linh” là thể loại đang rất “hút hàng” độc giả kinh dị Việt, bằng chứng là nhiều tác giả theo đuổi dòng truyện này đã nắm trong tay cơ hội xuất bản, hoặc sở hữu lượng độc giả online lên đến hàng chục ngàn người. Theo các tác giả truyện tâm linh, khái niệm này tuy chưa được công nhận chính thức nhưng đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng đọc truyện mạng vài năm trở lại đây.
Truyện tâm linh được cho là xuất hiện để phân biệt với các thể loại truyện ma, truyện thần quái. Thể loại này không yêu cầu độ máu me hay sự xuất hiện của các thế lực siêu nhiên, ma quỷ mà thường tập trung vào những hiện tượng vô hình, tín ngưỡng dân gian, những điều kiêng cữ, khơi gợi một số hiện tượng con người chưa giải thích được, chỉ có thể đổ cho tâm linh.
Trên Trang thương mại điện tử Tiki, ước tính tổng lượng của hơn 20 đầu sách kinh dị bán chạy nhất trong tháng 7/2021 là vào khoảng 20.000 bản. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường văn văn học kinh dị tại Việt Nam.
Những sáng tạo trong thể loại, nghiêm túc trong cách viết đã nhanh chóng tạo hiệu ứng và mang lại thành công về mặt thương mại cho các tác giả trẻ. Hẳn cộng đồng “fan” của thể loại kinh dị vẫn chưa quên khoảng thời gian trước năm 2016, khi loạt sách Đại Nam dị truyện của tác giả Phan Cuồng (tên thật Phan Chí Hiếu) làm mưa làm gió trên các diễn đàn lớn nhỏ. Thành công của Phan Cuồng nhanh chóng được các nhà xuất bản nhận diện. Sau hợp đồng xuất bản 2 tác phẩm thuộc thể loại kỳ dị, huyền thuật với Nhã Nam, anh đã góp mặt trong hàng ngũ những tác giả bestseller (có sách bán chạy) của văn đàn Việt.
Thành công của Phan Cuồng mang lại làn gió mới, giúp công chúng quan tâm đến thị trường sách truyện kinh dị vốn hiu hắt, ít gương mặt, tạo đà cho nhiều tác giả không chuyên khác như Thục Linh, Tống Ngọc, Nguyễn Văn Ba…
Đặc biệt với 2 tác giả thuộc thế hệ cuối 9x là Thục Linh và Tống Ngọc. Cả hai đều có tác phẩm đầu tay đạt mức tiêu thụ 1000 bản trong tháng đầu tiên ra mắt. Thục Linh còn đạt thành công trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy khi sở hữu 2 tác phẩm được mua bản quyền sản xuất phim.
“Những thành quả mình được được có lẽ là nhờ sự kỹ tính và ý thức viết thuần Việt hết mức có thể. Với những tác phẩm đặc biệt khó và cần cẩn thận, mình còn lên cả Thư viện quốc gia để tìm tài liệu”, tác giả Thục Linh nói. |
Hạn chế chưa được khỏa lấp
Mặc dù có bước phát triển về lượng và chất, nhưng không thể phủ nhận các tác phẩm thuộc thể loại kinh dị Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, chưa đạt được tầm vóc văn học và được công chúng nhận diện như một thực thể có cá tính, có màu sắc độc lập với các tác phẩm ngoại văn cùng loại hình.
Là độc giả yêu thích truyện kinh dị, đã dành nhiều năm để khám phá thể loại này, Đức Anh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ bản thân chủ yếu vẫn “ngốn” kinh dị ngoại vì thỏa mãn được yếu tố hồi hộp, khó đoán. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn cũng theo dõi sự phát triển của dòng kinh dị nước nhà qua một số cây viết có đầu tư, làm nổi bật được văn hóa và tín ngưỡng vùng miền mà bạn đã phát hiện.
Theo Đức Anh, điều khiến cho người đọc ngại mở lòng với tác giả Việt đó là bên cạnh những cây viết ổn, còn quá nhiều cây viết không mang lại điều gì mới mẻ, “mải miết vay mượn” không chỉ cốt truyện mà cả cách hành văn nước ngoài.
“Về lâu về dài nó sẽ khiến những người đọc hơi cầu toàn như mình ám thị về một thị trường Việt chỉ toàn tác phẩm mô phỏng, cóp nhặt từ ngoại văn”, độc giả này chia sẻ.
Những hạn chế không chỉ đến từ bản thân người viết mà còn đến từ thị trường và các cơ quan quản lý. Cụ thể, để có cơ hội xuất bản, những tác giả "nghiệp dư" của thể loại kinh dị không chỉ phải trải qua khâu kiểm duyệt ngặt nghèo mà còn phải cạnh tranh với các tác phẩm trong nước và truyện dịch.
Một hội chợ sách tại Hà Nội năm 2019. |
Tống Ngọc - chủ nhân tác phẩm Giải Ngải ký từng lọt Top 5 truyện kinh dị bán chạy nhất trên Tiki, chia sẻ vấn đề kiểm duyệt truyện kinh dị là một mảng khá nhạy cảm của ngành xuất bản Việt Nam vì nó nằm giữa ranh giới của văn học huyền bí và vấn đề mê tín dị đoan, giữa những cái được cho phép và những cái còn đang cấm kỵ.
Một điều cần lưu ý khác là sự bão hòa của thị trường khi bất cứ trào lưu văn học nào cũng có tính giai đoạn, giống như một đường parabol có đỉnh cao nhưng cũng có đoạn thoái trào. Nếu các tác giả Việt không nhanh nhạy nắm bắt được thời cơ rất dễ bị nhấn chìm trong đại dương văn học đang dần trở nên đại trà, khiến người đọc bội thực.
Là một "cây bút" đi lên từ văn học mạng và đã có sách xuất bản trong thời gian vừa qua, tác giả Nguyễn Văn Ba cho biết còn hơi sớm để coi những tác giả đang “chinh chiến” trên thị trường là tín hiệu nở rộ hay báo trước khúc quanh mới cho thể loại kinh dị Việt Nam.
“Nhưng một khi đã được xuất bản thì dù là tác giả nghiệp dư cũng luôn ý thức đến nhu cầu của độc giả và nỗ lực trau dồi cách viết để nâng cao chất lượng tác phẩm. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm từ người đọc, cũng như đóng góp của những nhà văn đi trước. Nhờ đó chúng tôi sẽ có thêm nhiệt tình sáng tác, có thể đi đường dài với nghề”, Nguyễn Văn Ba nói.
Vượt thoát dòng “văn chương hạng hai”
Xung quanh vấn đề thể loại kinh dị Việt đã có một lịch sử khái niệm lâu dài, với nhiều thế hệ người viết tên tuổi cùng tham gia vào quá trình kiến tạo nhưng thường bị coi là thứ “văn chương hạng hai”, “giải trí”.
Nữ nhà văn Di Li đã đưa ra nhận định: “Cái nhìn của công chúng dành cho một thể loại, trước hết phụ thuộc vào người viết, vào bản thân tác giả muốn cho tác phẩm của mình được nhìn nhận ở khía cạnh nào, chứ không phải là do người đọc”.
Cụ thể, cô cho rằng phần lớn tác giả Việt hiện nay, hay thậm chí tác giả phương Tây, châu Á, đang tập trung quá nhiều vào yếu tố giật gân, câu khách. Điều này vô hình trung làm các xuất bản phẩm dòng kinh dị thiếu đi sức nặng, không có những dụng công mang tính văn học, nghệ thuật.
Trong khi đó, nếu nhìn vào tổng quan văn học thế giới, vẫn nhận ra thể loại kinh dị có những giá trị, “khuôn vàng thước ngọc” riêng. Những khuôn thước này có thể tìm thấy ở các tượng đài lớn như Guy de Maupassant, Edgar Allan Poe, Bram Stoker… Khi tác phẩm của họ không chỉ đảm bảo độ hút khách, mà còn có những cách tân tiên phong trong thể loại, tạo giá trị nghệ thuật lâu bền với thời gian.
Ngay như ở Việt Nam, một ví dụ đáng được nhắc đến là trong gần hai thập kỷ nay, Truyền kỳ mạn lục đã được Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình Ngữ Văn cấp THCS để giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò.
Điều này không chỉ đến từ việc áng “thiên cổ kỳ bút” đã truyền tải nhân sinh quan của Nguyễn Dữ, như một đại diện tiêu biểu cho thời kỳ Trung đại, mà nó còn phản ánh chân thực đời sống, tâm tình của người Việt ở một thời đoạn đã qua.
Từ đây suy ra, để được công nhận như một dòng văn học chính thống, tác giả kinh dị Việt không chỉ cần nỗ lực trong tìm tòi, đột phá, vượt qua chính bản thân mình, mà còn phải có ý thức hướng tác phẩm vào những đề tài lớp lang, thể hiện được tính nhân văn, vẻ muôn màu của xã hội.
Nếu ngày nào còn thiếu vắng những giá trị này, ngày đó dòng truyện kinh dị Việt còn khó tìm được một chỗ đứng chính thống, giúp nâng cao vị thế và thúc đẩy nhà văn như một cứu cánh nghề nghiệp.
Được coi là người đầu tiên tại Việt Nam khai mở thể loại tiểu thuyết kết hợp giữa trinh thám và kinh dị, khi được hỏi về lời khuyên dành cho các cây bút đang tô điểm cho “khu vườn kinh dị Việt”, nhà văn Di Li cho biết “trong nghệ thuật rất khó khuyên nhau” và có chuyện “trò giỏi hơn thầy, người sau hơn người trước”.
Nhà văn Di Li là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của cô hiện tại tập trung ở hai mảng chính là thể loại trinh thám kinh dị và du ký trải nghiệm. Di Li cũng được đánh giá là nhà văn sung sức với trung bình 2 đầu sách (viết, dịch thuật, biên soạn tài liệu chuyên ngành) được giới thiệu mỗi năm. |
Di Li cho biết có một sự thật là thị trường sách nội đang ngày càng khắc nghiệt. Mỗi lứa độc giả lại có nhu cầu, sở thích riêng, và những nhu cầu ấy đào thải người viết từng ngày, thậm chí, từng giờ.
Để theo được đường dài trong bất kỳ thể loại văn học nào, không chỉ kinh dị, người viết cần gạt bỏ sự dựa dẫm vào cảm xúc, vào việc mô phỏng, có ý thức chuyên nghiệp với nghề và cố gắng, trong phạm vi có thể, vượt khỏi sự chi phối của đời sống cơm áo gạo tiền.
“Bản thân tôi từng chứng kiến trường hợp đã ra được 1, 2 đầu sách, thị trường hấp thụ rất tốt, nhưng rồi tác giả đi đâu mất, không thấy nữa. Có thể do họ không còn cảm xúc, cũng có thể phải gác bút để làm chuyện khác. Điều này không chỉ khiến sự nghiệp của người viết bị gián đoạn, độc giả quên lãng, mà còn có tác động gây đứt gãy trong thể loại, khiến văn học kinh dị Việt khó được sự dày dặn như một dàn đồng ca trong làng văn”, Di Li tâm huyết chia sẻ.