Đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động đang hoạt động từ 10 vĩ độ trở lên trong vùng ảnh hưởng ATNĐ vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn khoảng 6.000 phương tiện với hơn 30.000 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm từ 7 đến 10 độ vĩ Bắc. Hiện nay trên biển còn gần 10.000 tàu.
Tại các địa phương ven biển như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, huyện Kiên Lương, An Minh và thị xã Hà Tiên, các lực lượng chức năng đã kịp thời thông báo diễn biến tình hình của áp thấp cho người dân, nhất là bà con sống ở khu vực rừng phòng hộ ven biển, sẵn sàng di dời khi cần thiết; triển khai biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, lồng bè cá…
Tại huyện Kiên Lương, trong sáng nay chính quyền địa phương thông báo không cho tàu thuyền ra khơi, đồng thời đề nghị Chi cục Thủy lợi tỉnh cho mở các cống ngăn mặn để tàu thuyền vào tránh trú bão sâu khu vực bên trong cho an toàn. Huyện đảo Kiên Hải đã tổ chức họp trực tuyến với các xã, ấp trong toàn huyện để triển khai biện pháp ứng phó. Huyện đã vận động bà con gia cố, neo đậu an toàn 293 bè cá trên biển.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang, khoảng 4-5 giờ sáng ngày 2-11, áp thấp mới ảnh hưởng trực tiếp ở tỉnh Kiên Giang, nhưng chủ yếu là ảnh hưởng trên biển, nhất là vùng biển Thổ Chu, Phú Quốc. Trong 24 giờ tới do chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới nên trưa, chiều tối có mưa rào và dông nhiều nơi, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to. Vùng biển từ Cà Mau- Kiên Giang, Phú Quốc và Vịnh Thái Lan gió Đông Bắc cấp 4, cấp 5, giật cấp 6-7.
Ở TP Cần Thơ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố yêu cầu các quận, huyện theo dõi sát tình hình diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Đồng thời phân công lực lượng, sẵn sàng các phương tiện túc trực ứng phó tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt bảo vệ an toàn hệ thống đê bao tại các cồn trên sông Hậu; sẵn sàng lực lượng thu hoạch lúa, hoa màu cho người dân khi thời tiết có mưa nhiều gây ngập úng.
Theo Quân Đội Nhân Dân