Lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển?
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang thực hiện 2 dự án: Đầu tư xây dựng sân Golf - FLC Samson Golf Link và Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Theo Quyết định số 2784 ngày 28/8/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án sân golf và các dự án khu du lịch sinh thái tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, tại điểm b, Điều 2, nêu rõ: “Công ty cổ phần Tập đoàn FLC có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tính toán kỹ việc giữ chiều dày lớp rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ, chống xâm thực của biển vào dự án và đảm bảo quy định của pháp luật”.
Khu vực rừng ven biển bị lấn chiếm và được trồng thay phi lao bằng dừa.
Theo Quyết định số 4383 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích thực hiện dự án sân golf tại xã Quảng Cư với với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là 11,06 ha; và Quyết định số 4384 ngày 10/12/2014 cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích thực hiện dự án sang thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Quốc tế FLC tại xã Quảng Cư với diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là 11,57 ha.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện 2 dự án trên, nếu Công ty cổ phần tập đoàn FLC không thực hiện theo đúng những Quyết định trên thì phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp khắc phục các tác động do mất diện tích rừng phòng hộ gây ra.
Quyết định đưa ra là vậy, nhưng trên thực tế thì những gì đang diễn ra tại xã Quảng Cư đang khiến cho người dân rất bức xúc. Theo phản ánh của người dân, Tập đoàn FLC không những sử dụng đất rừng được giao để xây dựng công trình, mà còn lấn chiếm luôn phần đất rừng phòng hộ ven biển còn lại. Đó là việc tập đoàn này đã phá dải cây rừng phi lao không nằm trong số diện tích rừng được giao để mở rộng công trình và có trồng cây dừa thế vào. Theo ghi nhận của PV, việc làm này của FLC nằm ngoài tính toán so với ban đầu đã ký kết cũng như trong các Quyết định mà UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Không thống nhất được con số đất rừng phòng hộ bị mất
Thâm nhập vào vùng đất “nóng” mà FLC đang xây dựng, thì những gì mà người dân phản ánh là có căn cứ. Những rặng phi lao trước kia đã được tập đoàn FLC thay thế bằng hàng loạt cây dừa mới trồng chưa được lâu. Vậy nhưng, diện tích đất rừng phòng hộ ven biển mà tập đoàn này lấn chiếm là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Bàn, Chủ tịch UBND xã Quảng Cư. Tuy nhiên, ông Bàn cũng không chắc chắn con số về diện tích đất rừng phòng hộ biển mà FLC đã lấn chiếm.
Phía trước khu du lịch sinh thái của tập đoàn FLC.
“Về phía rừng phòng hộ, thì sau khi bàn giao cho FLC thi công, thì có một dải cây dọc ven biển không thuộc diện tích được giao xây dựng công trình có bị gãy đỗ do ảnh hưởng của công cụ máy móc trong quá trình thi công của tập đoàn FLC. Dải cây này có chiều dày nơi hẹp nhất là 20 m, còn nơi rộng nhất là 50 m, với tổng diện tích khoảng 10 nghìn mét vuông (1 ha) gì đó. Dải cây phi lao giờ chỉ còn rất ít”, ông Bàn cho hay.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Hồng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ven biển – Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoa, cho biết, trước khi chưa có FLC đến xây dựng, rừng phòng hộ trên địa bàn xã Quảng Cư có khoảng 33 ha. “Khi FLC về xây dựng khu sinh thái và sân golf, thì chúng tôi đã bàn giao gần 24 ha rừng phòng hộ cho UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng. Mới đây, chúng tôi có kiểm tra lại, thì thấy số lượng cây phi lao của khoảng 9 ha rừng phòng hộ còn lại không được như trước, mà chỉ còn lác đác mấy cây. Diện tích 9 ha rừng phòng hộ còn lại này không phải là một dải rừng đầy đặn về cây phi lao, mà nó phân theo cụm, tản mác, khó có thể xác nhận đây là rừng phòng hộ”, ông Hồng xác nhận.
Cũng theo Vị Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm này, ông đã biết về việc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc về việc này, sai phạm như thế nào, và sai ở đâu thì ông chưa được nắm rõ chi tiết.
Tuy nhiên, theo con số mà Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cung cấp trên báo chí, thì “hiện tại diện tích rừng quy hoạch phòng hộ xã Quảng Cư: 120.4 ha. Trong đó, diện tích có rừng (phi lao) 70,05 ha; diện tích chưa có rừng: 50,35 ha”. Nhưng sau khi triển khai dự án của FLC, theo xác nhận trên báo Lao động của ông Nguyễn Thế Thái - cán bộ địa chính xã Quảng Cư - diện tích đất rừng phòng hộ của toàn xã chỉ còn 9 ha. Vậy, câu hỏi đặt ra là hơn 110 ha đất rừng phòng hộ đã được xử lý như thế nào? Còn theo khảo sát của PV, thì một dải dài diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của xã Quảng Cư đã được FLC đưa vào xây dựng công trình. Không những phá dải rừng phòng hộ ven biển, tập đoàn FLC còn thả phao xuống biển ngăn không cho người dân ra khu vực đó.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013, thì đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh mới có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. |
Kỳ 2: Tập đoàn FLC xây dựng, dân Sầm Sơn lo mất nghề truyền thống
Vũ Đoàn