Tiếp tục xả thải gây ô nhiễm trầm trọng
Sau 3 kỳ mà Ngày Nay Online phản ảnh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại thôn Đồng Bục (xã An Thượng), và tại thôn Tiến Thịnh (xã Tiến Thắng), do khu chế biến tinh bột sắn Thọ Ly (thôn Tiến Thịnh) gây ra, theo xác nhận của ông Trịnh Văn Việt – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thế, thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã về lấy mẫu nước kiểm tra, cũng như đã có văn bản yêu cầu chủ cơ sở dừng ngay việc xả thải.
Thế nhưng, nhiều người dân vừa phản ánh, cơ sở này vẫn ngang nhiên sản xuất, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm trầm trọng đến nguồn nước và môi trường xung quanh.
Mức độ ô nhiễm nguồn nước đến bây giờ là rất nặng. Màu nước đen như mực, còn mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Chính mùi hôi thối này đã khiến cho môi trường sống tại đây đang dần chết đi. Có người không dám mở cửa khi ở nhà, cũng có người thậm chí phải đeo khẩu trang cả khi đi ngủ, nhất là những hộ dân sống dọc con suối Đồng Bục.
Màu nước đen như mực, còn mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Ảnh cắt từ clip
Các con vật nuôi như trâu bò cứ gầy ốm, nhiều con phát sốt triền miên, bỏ ăn nhiều ngày. Còn lợn, gà, vịt bỗng nhiên lăn đùng ra chết, mổ ra thì thịt đen sì, bốc mùi thối nồng nặc, phải đem đi chôn. Nhiều hộ gia đình đang đứng trước bờ vực trắng tay, muốn bỏ làng mà đi.
Theo xác nhận của vị Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Thế, thì nếu có bắt tay vào xử lý nguồn nước và đất ngay bây giờ, thì cũng mất một thời gian. Như vậy, trong thời gian khắc phục này, người dân biết làm gì để sinh sống?
Bò vẫn được người dân chăn thả ăn cỏ ngay bên cạnh con suối.
Tiếp tục trao đổi với Pv, ông Nguyễn Xuân Trường (64 tuổi, thôn Tiến Thịnh), có nhà ở phía trước khu chế biến cho biết, gà, vịt nhà ông, con thì chết, con thì bị mù mắt. Còn nhiều hộ khác không thể dùng được nước giếng khơi, mà phải dùng đến nước máy, nhưng phải khoan thật sâu, hơn 30m.
Tuy nhiên, màu nước cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều hộ tự dưng phải bỏ tiền triệu ra để mua máy lọc nước. Bên cạnh đó, mặc dù nguồn nước bị ô nhiễm, người dân vẫn làm liều thả trâu, bò đi dọc con suối, mà không hề biết rằng, những ngọn cỏ mà trâu bò ăn từng ngày đang “uống” phải nguồn nước bẩn. Rồi những vật nuôi này, nếu được bán đi để lấy thịt ăn, thì mức độ nguy hiểm sẽ như thế nào?
Huyện Yên Thế “bất lực” hay đang làm ngơ?
Nhiều người dân còn tỏ ra rất lo lắng, sợ dễ mắc các bệnh ung thư về phổi, về da... Sau 10 ngày kể từ khi Ngày Nay Online đăng tải kỳ 3 với nội dung “Người dân muốn bỏ làng đi chỉ vì khu chế biết tinh bột sắn”, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lưu – Chủ tịch xã Tiến Thắng. Ông Lưu cho biết, cơ sở này thi thoảng vẫn hoạt động.
Còn ông Phí Triệu Tân (trưởng thôn Đồng Bục) thì xác nhận: “Hiện tại, cơ sở Thọ Ly vẫn hoạt động liên tục, cả ngày lẫn đêm, chứ không phải thi thoảng mới làm”. Như vậy, cơ sở này có thể là đang thách thức các cơ quan chức năng, cũng như đang coi thường cuộc sống, tính mạng của người dân? Hay “phía sau” cơ sở này đang được một “bàn tay” vô hình nào đó chống đỡ?
Trước đó, ông Trịnh Văn Việt – Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Yên Thế cho biết, phòng chỉ có thể thẩm định, tham mưu, còn mọi việc như thế nào là thuộc về trách nhiệm của UBND huyện Yên Thế, mà người đã ký giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở sản xuất là ông Thân Minh Sâm – Phó chủ tịch huyện Yên Thế.
Trong khi đó, vị Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng thì cho hay, mọi việc làm liên quan đến khu chế biến tinh bột sắn, thì “huyện không thông qua xã”. Vậy tại sao, cơ sở này vẫn đi vào hoạt động trong khi các cấp vẫn chưa “hiểu rõ” nhau?
Giấy xác nhận cơ sở chế biến tinh bột sắn đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường do ông Thân Minh Sâm – Phó chủ tịch huyện Yên Thế ký.
Trong những lời nói này của các vị lãnh đạo từ xã đến huyện dường như không “ăn khớp”, cũng như cho thấy sự thiếu trách nhiệm ở đây khi xảy ra hậu quả, đặc biệt là từ phía UBND huyện Yên Thế.
Sau khoảng 3 tháng, khi phát hiện ô nhiễm, là yêu cầu khu chế biến tạm dừng sản xuất để kiểm tra nguồn nước; thế nhưng, cơ sở này vẫn hoạt động như ở chốn không người, như “vua” một phương, thích làm gì thì làm. Phải chăng, UBND huyện Yên Thế “bất lực”, hay đang làm ngơ để khu chế biến tinh bột sắn tiếp tục gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân trên địa bàn?
Quang Phú – Ngọc Đại