Đáng chú ý, đây là tháng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh thứ hai liên tiếp sau khi chỉ tăng 0,08% trong tháng 4/2018. Diễn biến này khiến cho CPI tính theo năm (YoY) tăng lên mức 4,67% và CPI bình quân trong sáu tháng đầu năm 2018 ở mức 3,29%.
Cụ thể, CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%.
Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm giáo dục tăng 0,11% (dịch vụ giáo dục tăng 0,15%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08% trong tháng 6 |
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
CPI 6 tháng đầu năm tăng báo hiệu diễn biến khó lường của lạm phát năm 2018. Trong khi đó, những tháng còn lại của năm 2018 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể khiến lạm phát tăng cao.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia thương mại chia sẻ: Nếu muốn giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2018, thì từ nay tới cuối năm, dư địa tăng CPI không còn nhiều là một sức ép, là khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, có thể thấy những giải pháp mà Chính phủ đã xác định cũng rất phù hợp với khuyến nghị từ các chuyên gia.
“Cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, đặc biệt là về cung tiền. Nếu thời gian tới, lạm phát tiếp tục có xu hướng tăng thì cung tiền phải được giới hạn lại.”, TS.Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị: Cơ quan quản lý phải tính toán để giãn lùi thời gian điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với một số giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá vào các thời điểm thích hợp để tránh cộng hưởng lan tỏa tăng giá gây ra.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cân bằng cung - cầu hàng hóa; kiểm soát mức độ tăng của tổng phương tiện thanh toán. Nếu lạm phát có xu hướng quay trở lại sẽ khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, ảnh hưởng tới sự ổn định của tỷ giá gây khó khăn cho sự điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa”, đại diện Hội Thẩm định giá Việt Nam nói.
Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp mang tính quyết định, đó là vai trò hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành, làm giảm áp lực tăng giá thông qua việc tiếp tục cải cách hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh không hợp lý, rà soát các khoản thu không hợp lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp