Theo số liệu của Eurostat công bố ngày 19/10 cho biết lạm phát tại Eurozone trong tháng 9/2022 đã tăng lên mức 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo đưa ra cuối tháng 9, nhưng cao hơn nhiều so với mức 9,1% ghi nhận trong tháng trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Theo Eurostat, lạm phát tháng 9 ở mức cao chủ yếu do giá năng lượng tăng mạnh, lên tới 40,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm chưa chế biến cũng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hàng hoá công nghiệp không sử dụng năng lượng, như các dịch vụ, cũng tăng mạnh hơn. Lạm phát cơ bản, vốn không tính đến giá các mặt hàng đặc biệt dễ bị biến động như năng lượng và thực phẩm, đã tăng từ 4,3% lên 4,8%. Ba nước khu vực Baltic tiếp tục có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong Eurozone với hơn 20%, trong đó Estonia có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở mức 24,1%. Theo tiêu chuẩn châu Âu, tỷ lệ lạm phát ở Đức tăng lên 10,9% trong khi Pháp có tỷ lệ lạm phát thấp nhất khu vực, với 6,2%.
Do mức lạm phát phi mã, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% đã bắt đầu tăng lãi suất sau thời gian dài do dự. Gần đây nhất trong tháng 9/2022, ECB đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 1,25%, lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Do sức ép ngày càng gia tăng, ECB có thể tiếp tục phải đưa ra các biện pháp đối phó tại cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra vào tuần tới, có thể với một đợt tăng lãi suất mạnh tiếp theo. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel mới đây đã lên tiếng ủng hộ việc tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp chính sách tiền tệ của ECB tới đây.