Trung Quốc - Mùng Ba Tết kiêng kỵ tiếp khách
Tết Âm lịch là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Đó là dịp để gia đình sum họp, quây quần sau một năm dài vất vả. Tết truyền thống của người Trung Quốc diễn ra trong 15 ngày và mỗi ngày đều mang một ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, 3 ngày đầu tiên của năm mới là quan trọng nhất.
Mùng Một, bắt đầu ngay sau Giao thừa là ngày đón các vị thần. Nhiều người, đặc biệt là các Phật tử, sẽ kiêng ăn thịt và tránh sát sinh. Một số người cũng tin rằng, việc đốt lửa và sử dụng dao vào ngày đầu năm mới sẽ làm họ “dông” cả năm. Vì thế, những món ăn dành cho ngày hôm đó đều là những món được chế biến từ ngày hôm trước. Mùng Một còn là ngày để con cháu trong nhà bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.
Mùng Hai là ngày khởi đầu năm mới. Vào ngày này, những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ trở về nhà thăm bố mẹ đẻ, người thân và bạn bè (theo truyền thống, phụ nữ đã xuất giá sẽ không có nhiều cơ hội trở về nhà thăm bố mẹ thường xuyên).
Mùng Ba là ngày hóa vàng. Mọi mọi người thường đi chùa để cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và gia đình. Mùng Ba đây không phải là ngày thích hợp để tiếp khách hoặc tới thăm ai đó.
Hàn Quốc – Liên tục bái lậy thể hiện lòng thành kính
Ngày lễ lớn nhất trong năm của Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal. Theo quan niệm, đây là ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành.
Vào những ngày này, người Hàn Quốc thường mặc loại trang phục truyền thống, gọi là Hanbok. Nghi lễ đầu tiên, gọi là Charye, sẽ diễn ra tại bàn thờ của gia đình. Trên bàn thờ, gia chủ bày biện nhiều món ăn. Sau đó, các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên.
Tiếp đến là nghi lễ Sebae. Lớp trẻ bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi. Số tiền này thể hiện lời chúc thành công trong cuộc sống của các bậc bề trên dành cho con cháu.
Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian, đi chùa bái lậy cầu may mắn...
Mông Cổ - Rửa bát với sữa ngựa để đón năm mới sạch sẽ
Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch, còn gọi là Tsagaan Sar hay Tết Tháng Trắng, Tết Naadam. Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa Đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa Xuân mới mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ. Để chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng này, người Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để đón năm mới thật "sạch sẽ". Thậm chí, trước đêm Giao thừa, họ còn rửa bát với sữa ngựa.
Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng. Người lớn tuổi sẽ nhận những lời chúc từ thành viên trong gia đình, nhưng tuyệt nhiên không nhận lời chúc từ vợ hoặc chồng của họ.
Singapore – Ăn cá đầu năm mang lại may mắn
Khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết Âm lịch. Phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó là ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Họ cho rằng, ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.
Tiền mừng tuổi tại Singapore được gọi là "ang pow". Ngoài những bao lì xì, họ còn trao nhau những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn. Tất cả những món quà đó đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.
Campuchia – Ngày Tết cùng cầu siêu cho những người đã khuất
Tết của người Campuchia là tết Chol Chnam Thmay được tổ chức vào khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer, khoảng từ 13 - 15/4 Dương lịch hàng năm. Tết Chol Chnam Thmay là dịp gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công lao với dân tộc, đất nước đã qua đời.
Người Campuchia tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời gọi là Têvôđa được phái xuống để chăm lo đời sống người dân, hết năm vị thần đó về trời để vị khác xuống hạ giới. Vì vậy, trong đêm giao thừa, người dân làm mâm cỗ, đốt đèn, thắp hương cúng tiễn đưa vị thần Têvôđa cũ và đón thần Têvôđa mới. Tết cổ truyền của Campuchia kéo dài 3 ngày. Ngày đầu tiên (ngày Maha Songkran), người dân mặc những trang phục đẹp đẽ, mang lễ vật và nhang đèn đến chùa cúng bái; ngày này cũng là thời gian gia đình đi thăm và biếu ông quà những món quà ý nghĩa. Ngày thứ hai (ngày Wanabat), người dân làm cơm dâng cho các vị sư, sãi trong chùa và tổ chức các trò chơi dân gian vui nhộn như kéo co, bịt mắt, đá gà, hát đối đáp,…. Ngày thứ ba (ngày Tngay Leang Saka ) người dân sẽ dâng cơm và làm lễ tắm Phật nhằm gột rửa mọi điều không may của năm cũ, đón năm mới. Cuối ngày, sau khi đã làm lễ ở chùa, người dân thực hiện lễ cầu siêu cho những người đã khuất ở nghĩa trang, tắm tượng Phật ở nhà và dâng cỗ chúc phúc đến ông bà, cha mẹ.
Indonesia – Hoạt động đường phố tưng bừng
Indonesia là quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc do vậy có rất nhiều dịp lễ, tết của các tộc người khác nhau, theo các tín ngưỡng khác nhau. Đáng chú ý và nào nhiệt nhất là 4 dịp lễ Tết: Tết Dương lịch của chung tất cả mọi tôn giáo, sắc tộc vào ngày 1/1 hàng năm, Tết của người theo đạo Hồi giáo, Tết của người Indonesia gốc Ấn theo đạo Hindu và Tết của người Indonesia gốc Hoa.
Tết của người Hoa (Tahun Baru Imlek) tính theo lịch mặt trăng, thường trùng thời gian với Tết Nguyên đán của Việt Nam. Trong dịp này, các hoạt động đường phố được quan tâm và thu hút người dân, phổ biến diễn ra là múa lân, biểu diễn thời trang, các cuộc thi thể thao… Ở các khu phố Trung Quốc hoặc những khu phố có người gốc Hoa sinh sống, người ta thường trưng bày hoa, quất và các đồ trang trí mang màu đỏ, màu đặc trưng của tết cổ truyền Trung Quốc.
Lào – Buộc chỉ cổ tay trao nhau sức khỏe
Ngày Tết của Lào có lễ hội BunPiMay được tổ chức vào ngày 13-15/4 (Dương lịch) hàng năm. Tết Bunpimay diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa, sau đó làm lễ cúng phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo ở chùa và tắm Phật. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Lễ hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi.
Ngoài phong tục té nước, người Lào còn có phong tục buộc chỉ cổ tay. Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Ai được nhiều người buộc cho nhiều vòng chỉ chứng tỏ người đó được nhiều sức khỏe và nhiều hạnh phúc.
Ngoài ra, Bunpimay còn có nhiều phong tục khác như: biếu vải, biếu khăn cho người già, xây tháp cát, buộc chỉ cổ tay, đua thuyền, hái hoa tươi...
Ngày Tết ở Lào không thể thiếu hoa 2 loài hoa phổ biến đó là hoa Chăm pa và hoa Muồng vàng. Hoa Chăm pa được kết vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc, còn hoa muồng vàng được treo khắp nơi để mong gặp may mắn trong năm mới.
Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân bởi theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc.
Malaysia – Nhịn ăn để thấu hiểu người nghèo
Hari Raya Puasa là lễ hội quan trọng nhất ở Malaysia và là ngày Tết của người Malaysia.
Trước Tết khoảng 10 ngày, tất cả người theo đạo Hồi sẽ không mua sắm nhiều thức ngon vật lạ cho Tết mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), vì họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Ala răn dạy.
Vào sáng sớm, người dân sẽ đến các buổi cầu nguyện trong các nhà thờ và chúc mừng năm mới lẫn nhau. Trong những ngày lễ, món ăn truyền thống của người Malaysia là Yee Sang. Yee Sang trong tiếng Hoa có nghĩa là dồi dào, dư dả. Đây là một loại salad kiểu Á gồm vô số những loại cá sống thái mỏng cùng rau củ cắt nhỏ (thường là cá hồi sashimi hay cá thu). Mỗi một gia vị được dùng tạo nên món ăn này đều mang một ý nghĩa riêng như rau củ, dưa leo được thêm vào mang nghĩa làm ăn thuận lợi, thăng tiến; cá và cà rốt mang đến sự may mắn, đồng thời tiêu và những nguyên liệu khác thể hiện rõ những ước vọng của người dân về tiền tài, của cải; nước sốt được rưới lên hàm ý lợi lộc sẽ ngày càng gia tăng trong cả năm.
Myanmar – Tát nước lên người khác chúc may mắn
Myanmar được mệnh danh là đất nước chùa vàng với hơn 90% dân số là Phật tử, Phật giáo cho đến nay vẫn được xem như là quốc giáo và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Những ngày lễ tết của người Myanmar luôn gắn liền với Phật giáo. Năm mới của người dân Myanmar được tổ chức theo Phật lịch, tức vào giữa tháng 4 Dương lịch. Lễ hội cổ truyền đón năm mới, cũng là lễ hội lớn nhất có tên là Thingyan, hay còn gọi là lễ hội té nước. Lễ hội rơi vào tuần thứ hai của tháng tư hàng năm và kéo dài ba hoặc bốn ngày. Người Myanmar trên khắp mọi miền đất nước tổ chức lễ hội bằng cách tạt nước lên người khác. Nó có ý nghĩa rửa sạch những dơ bẩn đã tích tụ trong suốt một năm qua và đón chào năm mới với sự thanh khiết của thân và tâm.
Trong dịp Tết cổ truyền, người Myanmar thường làm nhiều việc thiện, dùng nước thơm lau rửa tượng Phật và té lên người nhau để cầu may mắn; các nhà sư đến chùa và thiền viện để cầu phúc cho nhân dân. Thanh niên bày tỏ lòng kính trọng với các thế hệ trước bằng cách biếu nước uống, gội đầu và cắt móng tay cho người lớn tuổi. Đây là những hình thức đã tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Myanmar.
Philippines – Năm mới tri ân vị anh hùng dân tộc
Philippines là một đất nước vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây và Trung Quốc nên phong tục tập quán của Philippines có sự pha trộn nhưng vẫn mang những nét truyền thống đặc trưng. Năm mới ở Philippines diễn ra từ ngày 30/12 dương lịch cũng chính là dịp lễ kỷ niệm ngày Philippines Jose Lisarơ - nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, vì thế ngày nay người ta còn gọi là "Ngày Anh hùng".
Trước đêm Giao thừa, họ sẽ chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình thưởng thức lúc nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng xu với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác. Trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc chai rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.