Bích ước mơ làm cô giáo. Nhưng sau năm học này, Bích phải nhường suất đi học cho em trai. Mùa màng thất bát, cây hồ tiêu ở Chư Pưh quê em mấy năm liền cứ qua mùa mưa lại vàng lá chết khô. Món nợ ngân hàng cùng tín dụng đen của gia đình đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Gia đình hoàn toàn mất khả năng trả nợ, dắt díu nhau bỏ xứ sang Lào làm thuê ở nông trường cao su.
Bầu trời mùa mưa Tây Nguyên xám xịt, hai bên đường là những cánh đồng xanh mướt bát ngát. Nhưng nhìn kỹ, màu xanh ấy không phải từ cây trái, hoa màu. Đó là cỏ voi, cỏ dại mọc trên ruộng đồng bị bỏ hoang không người canh tác.
Đi thêm một đoạn, những cột tiêu khô rốc xuất hiện, đứng chỏng chơ cùng cỏ hoang trên nền đất đỏ. “Nơi đó đã từng là những hàng tiêu xanh ngút ngàn. Bao la là tiêu. Nhìn đâu cũng thấy tiêu”, Bích chỉ cho tôi.
Năm ngoái, Bích tưởng phải nghỉ từ học kỳ một. Nhưng nhờ đi làm rẫy, cắt cỏ thuê mà cô bé trụ được đến hết năm. Lúc ấy, nó còn lạc quan nghĩ ráng học hết cấp ba, rồi học lên làm cô giáo hoặc học gì kiếm cái nghề cũng được, miễn không quay lại cả đời lầm lũi trong rẫy mà vẫn ngập trong nợ nần.
Sau lễ khai giảng cuối cùng hôm nay, Bích sẽ đối mặt với một câu hỏi: tấm bằng trung học phổ thông có ý nghĩa gì với cuộc đời một đứa trẻ nông thôn như em?
Đó không chỉ là câu hỏi dành cho Bích. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn học sinh nông thôn tốt nghiệp trung học nhưng không có điều kiện tiếp tục “kiếm tấm bằng” như bạn cùng lứa. Đi làm công nhân khu công nghiệp, người ta chỉ cần bằng cấp 2. Một đứa trẻ nông thôn ráng cày thuê cuốc mướn, chịu cơ cực để đi học hết phổ thông, rất nhanh, sẽ đối mặt với câu hỏi: học để làm gì?
Bích bảo, em sẽ quay lại Lào làm thuê cùng bố mẹ, hoặc có thể sẽ đi Bình Dương, Sài Gòn làm công nhân may hay giúp việc nhà như mấy đứa bạn cùng lứa. Những dự định hết sức mơ hồ, kể xong Bích lại ngập ngừng nói “định thế thôi chứ em cũng không biết như thế nào”.
Câu hỏi ấy, Chính phủ từng cố trả lời. Mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chi hơn 2.000 tỷ đồng để đào tạo việc làm cho người bước vào độ tuổi lao động ở nông thôn. Tổng giá trị của “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn” lên tới hơn một tỷ USD.
Nhưng thực trạng học nghề và dạy nghề ở nông thôn Việt Nam hay trong toàn quốc nói chung, không phải là bức tranh hứa hẹn. Theo đánh giá của tổ chức Oxfam về đề án, đa số lao động kiếm được việc làm là những nông dân theo học nghề nông. Học xong thì tất nhiên họ vẫn sẽ làm nông. Nếu học nghề khác, tỷ lệ tìm được việc làm ở nông thôn rất thấp. Và dù chọn ngành nào thì tỷ lệ học nghề rồi thoát nghèo chiếm con số cực nhỏ, nhiều địa phương không đạt được 1%. Gần một nửa số người tham gia học nghề được Oxfam phỏng vấn nói họ không nhận thấy có năng suất, thu nhập cao hơn do học nghề.
Thật khó để một đứa trẻ như Bích tìm được việc làm ở giữa vùng đất đỏ khi theo học một ngành phi nông nghiệp như tin học hay đan lát, mây tre,... với hỗ trợ của Chính phủ. "Học nghề" chưa bao giờ là một khái niệm an toàn trong tâm thức người dân, để Bích phải nghiến răng làm thuê cuốc mướn theo đuổi thêm mấy năm nữa.
Với rất nhiều bạn cùng lứa trên cả nước, câu trả lời tưởng như rất hiển nhiên: học hết phổ thông thì thi cao đẳng, đại học. Nhưng những câu trả lời dành cho đám trẻ như Bích vẫn chỉ quanh quẩn: đi làm công nhân, giúp việc, quay trở lại tiếp tục làm nông nghiệp,... Những lựa chọn không giúp thoát nghèo. Câu khẩu hiệu “Học để xóa đói, giảm nghèo” được trưng ở khắp các vùng khó khăn cả nước, trở nên rất đáng ngờ.
Học hết cấp 3 để làm gì? Học hết cấp 3 và không có khả năng học tiếp thì làm gì? Tấm bằng trung học phổ thông có thực sự có giá trị gì ở Việt Nam hay không? Những câu hỏi ấy quá khó với Bích. Với hiện trạng đào tạo nghề ở Việt Nam, phần lớn sẽ buộc phải trả lời theo quán tính: bằng phổ thông là để... học đại học. Còn nếu không trả lời được tiếp, thì chấm hết.
Sớm nay, Bích khoác một chiếc áo ngoài áo dài cho đỡ lạnh. Đến trường, em sẽ cởi nó ra, nếu không muốn bị sao đỏ ghi sổ vì không mặc đồng phục. Áo khoác đồng phục trường đã sờn rách tả tơi, nằm lại ở nông trường cao su bên Lào.