Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng 15/8, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 36.300 phương tiện/gần 137.800 người; gần 11.400 lồng bè, lều, chòi canh với trên 14.700 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trước khả năng rất lớn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Ban chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu các địa phương ở hai khu vực trên theo dõi theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để chủ động các biện pháp phòng tránh. Hiện các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa đã có công điện, báo cáo nhanh công tác triển khai ứng phó với bão số 4.
Do khả năng mưa lũ trong những ngày tới, nguy cơ về lũ quét, sạt lở, ngập úng và đe dọa tính an toàn của nhiều tuyến đê xung yếu, hồ đập đã đầy nước.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện có 106 sự cố đê điều do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3 (Phú Thọ 5, Hưng Yên 4, Thái Bình 11, Hà Nội 16, Nam Định 15, Hà Nam 21, Ninh Bình 28, Thanh Hóa 2, Nghệ An 3, Hải Dương 1). Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu, tiếp tục theo dõi diễn biến và lập phương án xử lý các sự cố.
Trong khi đó, đến nay, khu vực Bắc bộ có 78/289 hồ chứa lớn và 972/2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Hiện có Hồ Yên Lập vận hành xả lũ qua cửa van với lưu lượng xả 200 m3/s. Các khu vực khác chưa có hồ nào vận hành xả lũ. Đáng lưu ý, các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình.
Theo ông Thành, hiện mực nước các hồ thủy điện lở ở miền Bắc đang cao hơn so với quy trình cho phép. Do vậy, Hồ Hòa Bình đang duy trì mở 3 cửa xả đáy, hồ Sơn La mở 1 cửa và hồ Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy.
“Lưu lượng trung bình về các hồ Sơn La, Hòa Bình dao động ở mức cao nhưng vẫn thấp hơn lưu lượng xả. Vì thế, tùy theo diễn biến mưa, lũ trên sông Đà trong thời gian tới sẽ xem xét quyết định việc vận hành hồ Hòa Bình và Sơn La cho phù hợp”- ông Thành lưu ý.
Miền Bắc, Bắc Trung bộ nguy cơ ngập lụt, lũ quét
Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng 7 giờ ngày 15/8, bão số 4 nằm trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An khoảng 500-600km về phía Đông, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn từ bão số 4 |
Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 7 giờ ngày 16/8, bão nằm trên khu vực phía Đông vịnh Bắc bộ, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An khoảng 270-350km về phía Đông.
Đến 7 giờ ngày 17/8, bão sẽ nằm trên bờ biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Đáng lưu ý, từ đêm 15/8 đến đêm 17/8 ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt).
Từ ngày 16-18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1- BĐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi (Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1, thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) lên mức BĐ1-BĐ2, hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1.
Khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Nguy cơ ngập úng tại vùng trũng, thấp tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ và tại các đô thị thuộc tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng.