Người trẻ tuổi ở Trung Quốc, thế hệ trực tiếp đối mặt với thị trường lao động đang ngày càng trở nên khó khăn, dần chuyển sang một ứng dụng tưởng chừng như không liên quan, đó là Tinder.
Jade Liang, một sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ ở Thượng Hải, đã quyết định mở lại tài khoản trên ứng dụng hẹn hò sau hơn 400 lần nộp đơn xin việc trực tuyến bất thành. Trước đây cô đã sử dụng ứng dụng này để hẹn hò, nhưng giờ đây cô thấy Tinder hữu ích hơn cho việc kết nối với những người cùng ngành để trò chuyện xã giao.
“Tôi chỉ đơn giản là quẹt phải những người thuộc ngành công nghệ”, Liang, 26 tuổi, chia sẻ về mục đích mới dành cho Tinder.
Liang là một trong số nhiều người trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng các phương pháp độc đáo để đối phó với mức độ cạnh tranh khốc liệt và cơ hội việc làm khan hiếm tại Trung Quốc. Một số người thất nghiệp thậm chí còn phải làm “đứa trẻ toàn thời gian”, thuật ngữ mô tả người trẻ chấp nhận làm việc nhà để đổi lấy trợ cấp từ cha mẹ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp đạt mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm ngoái. Sau khi tạm ngừng công bố dữ liệu trong vài tháng để điều chỉnh lại phương pháp tính toán, vào tháng 12 vừa qua, các quan chức Trung Quốc cho biết tỷ lệ thất nghiệp của người từ 16 đến 24 tuổi, không bao gồm sinh viên, đứng ở mức 14,9%.
Bà Su Yue, chuyên gia kinh tế của The Economist Intelligence Unit tại Thượng Hải, cho biết mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao không phải là điều bất thường, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức kinh tế như Trung Quốc, nhưng “các vấn đề của Trung Quốc hiện đang nghiêm trọng hơn vào thời điểm này”.
Bà nói: “Suy thoái kinh tế, tác động của đại dịch và sự hợp nhất ngành công nghiệp đều diễn ra cùng lúc, làm trầm trọng hơn sức ép lên giới trẻ”.
Trước những áp lực như vậy, Joy Geng, một sinh viên mới tốt nghiệp một trường đại học ở Anh và hiện đang sống tại Bắc Kinh, cho biết: “Chúng tôi không thể không cảm thấy thích thú khi gặp một người làm cùng ngành, ngay cả khi đang lướt ứng dụng hẹn hò”.
Thị trường bão hòa
Jade Liang lần đầu coi Tinder như một công cụ tìm việc sau khi cô nhìn thấy một bài đăng được lan truyền trên nền tảng Xiaohongshu rằng một người dùng Tinder đã tìm được việc làm thành công qua một ứng dụng hẹn hò của Trung Quốc.
Những bài đăng tương tự cho thấy việc dùng các ứng dụng hẹn hò như một công cụ tìm việc làm không phải là hiếm trên mạng xã hội Trung Quốc.
Mặc dù Tinder là một trong nhiều ứng dụng nước ngoài bị chặn ở Trung Quốc đại lục, nhưng người dùng vẫn có thể truy cập ứng dụng này bằng mạng riêng ảo VPN.
“Ta có thể tiếp cận được nhiều người hơn qua các ứng dụng hẹn hò. Thông thường, ta cần một khoảng thời gian dài để có thể làm quen với người khác. Nhưng với các ứng dụng hẹn hò, bạn chỉ cần nói chuyện với người lạ trong vài giờ là họ đã có thể cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin cá nhân", Liang cho biết.
Còn Joy Geng cho biết có thể những ứng viên tìm việc đã chuyển sang Tinder vì họ không thể sử dụng LinkedIn, do ứng dụng này cũng bị chặn ở Trung Quốc. LinkedIn đã tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2021 còn giới trẻ nước này cảm thấy không thấy hài lòng với các lựa chọn thay thế trong nước.
Liang cho biết mặc dù cô có thể truy cập LinkedIn bằng VPN, nhưng cô vẫn thử dùng Tinder vì nhận thấy các phương pháp tìm việc truyền thống không hiệu quả.
Cô nói: “Thị trường đã quá bão hòa vì suy thoái kinh tế.”
Bản thân Tinder không khuyến khích việc này và cho biết ứng dụng được thiết kế để thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân chứ không phải mối quan hệ kinh doanh.
Việc này cũng vấp phải sự chỉ trích từ những người thực sự tìm kiếm tình cảm cá nhân khi cho rằng họ không còn có thể tin tưởng vào mục đích của những người dùng khác.
Một bình luận trên mạng xã hội Weibo cho biết : “Tôi không thể tin được mọi người thậm chí còn dùng ứng dụng hẹn hò để tìm việc làm. Tôi không thể tin một chữ nào trong phần giới thiệu của người dùng ứng dụng".
Romy Liu, người từng làm việc cho một công ty hỗ trợ tuyển dụng nhân sự cấp cao ở thành phố Hàng Châu, cho biết từ góc độ của nhà tuyển dụng, việc tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua Tinder cho thấy ứng viên có “kỹ năng giao tiếp mạnh” và có thể tạo ấn tượng đối với một người mới quen, đủ để nhận được giới thiệu việc làm.
“Tôi nghĩ rằng ai có thể tìm được việc làm thông qua loại nền tảng này thì thật tuyệt vời", chuyên gia tuyển dụng nói và chỉ ra rằng việc sử dụng Tinder kém hiệu quả hơn so với các phương pháp tìm việc truyền thống và “chỉ khả thi khi muốn tìm việc làm ở các công ty quốc tế hoặc các công ty công nghệ lớn”.
Và không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều có cái nhìn thiện cảm với cách tuyển dụng qua Tinder.
“Nếu một công ty nhà nước biết được bạn đang tìm việc trên Tinder, tôi nghĩ họ sẽ đưa bạn vào danh sách đen vĩnh viễn”, Liu nói.
Jade Liang vẫn đang tìm kiếm cơ hội việc làm ở Trung Quốc.
“Tôi gần như muốn từ bỏ vì thật sự quá khó để tìm được một công việc lý tưởng. Nhưng tôi tin rằng mình sẽ nhận được sự trợ giúp đáng kể nếu tích cực sử dụng các ứng dụng hẹn hò hoặc nhiều cách khác để tìm việc làm", Liang nói.