“Làm vua nhà Nguyễn thì ăn gì mỗi ngày?”
Đó là nội dung của một trong rất nhiều video của kênh “Giao Cùn”, một kênh TikTok hút công chúng bởi nội dung xoay quanh các câu chuyện lịch sử. Những video không quá 180 giây như “Làm vua nhà Nguyễn thì ăn gì mỗi ngày?”, hay “Lý Thường Kiệt, 99% là người hướng nội” đã thu hút hàng trăm bình luận từ người dùng TikTok. Có người phản biện, có người thích thú với góc nhìn hóm hỉnh của chủ kênh.
“Lịch sử Việt Nam không hề nhàm chán. Chỉ cần đọc hai trang nói về triều đại Trần trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, tôi có thể lên kế hoạch xây dựng 6 video khác nhau”, đó là khẳng định của Ngô Thị Quỳnh Giao, người sở hữu kênh TikTok “Giao Cùn” với hơn 350 nghìn lượt theo dõi.
Sở hữu lối ăn nói hoạt ngôn và tự tin, các video của Quỳnh Giao thường thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem nhờ lối kể chuyện rất tự nhiên cho những câu chuyện lịch sử gần gũi và hấp dẫn người trẻ.
Trong mỗi kịch bản, Quỳnh Giao thường cố gắng chọn lọc chi tiết để người nghe có thể dễ dàng hình dung về nhân vật hoặc sự kiện mình đang nhắc đến. Cô muốn những nhân vật lịch sử đó không chỉ tồn tại trong trang sách, mà họ thực sự là những người từng sống, cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, những mong ước và vấn đề giống như các bạn trẻ đang trải qua.
“Tôi cố gắng lồng ghép lối tư duy và góc nhìn cá nhân để tạo điểm nhấn, thay vì sa đà vào việc kể chuyện dài dòng”, cô gái sinh năm 2000 chia sẻ bí quyết làm TikTok. Thay vì sa đà vào việc kể chuyện dài dòng, Quỳnh Giao thường làm video ngắn, những video vui vui trên là kết quả của nhiều giờ Giao nghiên cứu sử liệu cũng như chọn lọc chi tiết để kích thích sự tò mò của người xem.
Các nội dung lịch sử được Quỳnh Giao kể lại theo góc nhìn cá nhân. |
Niềm đam mê và tài năng biến những câu chuyện lịch sử thành câu chuyện hợp thời đã giúp cô gái đến từ Hải Phòng này dần bắt gặp được nhiều người có chung đam mê với văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Cũng gây ấn tượng mạnh bằng những video chia sẻ kiến thức lịch sử mang tính giáo dục cao trên TikTok, Lý Hữu Trường trở thành một cái tên có sức hút với giới trẻ Việt Nam.
Khi đó là cuối năm hai đại học, Trường khởi động một dự án xây dựng kênh Tiktok. Những video đầu tiên của cậu lấy đề tài gia đình, học sinh, sinh viên thu về rất ít lượt xem. Nhưng vô tình, vài video có chủ đề lịch sử của Trường nhanh chóng được lên xu hướng, chàng trai sinh năm 2000 dần nhận ra cơ hội “ngàn vàng” từ mảng nội dung lịch sử.
Khởi đầu bằng một chiếc điện thoại cũ từ năm 2021, Hữu Trường giờ đã gây dựng nên kênh TikTok “Trường Lịch sử” với 1,1 triệu lượt theo dõi.
Không chỉ chú trọng hình thức để phù hợp với các người xem trẻ tuổi, đội ngũ “Trường Lịch sử” cũng sáng tạo nhiều series độc đáo, nổi bật như “Những câu nói huyền thoại”. Qua những câu chuyện hay một câu nói của các nhân vật lịch sử, Hữu Trường thổi bùng được tinh thần dân tộc của các thế hệ tiền nhân.
Sức sáng tạo không biên giới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng thế hệ Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người.
Thế hệ Z tại Việt Nam đã trải qua một sự phát triển đáng kể trong việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Với sự gia tăng về công nghệ di động và internet, các thành viên của Gen Z ở Việt Nam có khả năng tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube là môi trường để Gen Z tiêu thụ nội dung ngắn gọn, sáng tạo và hấp dẫn. Xu hướng tìm hiểu lịch sử Việt Nam của Gen Z trên TikTok đang trở thành một hiện tượng đáng chú ý. Kết hợp với khả năng sáng tạo nội dung, sự tự tin và khả năng giao tiếp của Gen Z yêu lịch sử đã thu hút hàng triệu người theo dõi các kênh mạng xã hội của họ, qua đó giúp các cơ quan quản lý mở toang cánh cửa cơ hội cho việc phát triển văn hóa truyền thống trên “mặt trận” mạng xã hội.
Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) là đơn vị tiêu biểu trong việc “làm mới” bản thân để phát triển trong thời đại mạng xã hội.
Hơn 4 năm qua, một điểm đổi mới trong cách quảng bá của Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đó là trang fanpage với 327 nghìn lượt theo dõi trên Facebook với nội dung hướng tới giới trẻ, nhưng không chỉ là giáo dục lịch sử đơn thuần.
Là tập hợp của 5 bạn trẻ thuộc Gen Z, các thành viên của đội ngũ đứng sau trang fanpage của Nhà tù Hỏa Lò đã thổi một luồng gió mới cho di tích này.
Thay vì chọn cách tiếp cận là cung cấp các nội dung truyền thống, các bài viết mang tính nghiên cứu, học thuật thì fanpage sẽ đăng tải các bài viết và hình ảnh mang sắc thái hài hước, trẻ trung, hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo tính chất nghiêm trang của một di tích lịch sử cách mạng.
Sức sáng tạo của người trẻ đã khiến hoạt động quảng bá Nhà tù Hỏa lò trở nên hấp dẫn và hút khách du lịch. |
Cụm từ “Đi tù không” nổi tiếng một thời trên Facebook chính là từ khóa được nhóm 5 bạn trẻ tạo ra nhằm kêu gọi các bạn trẻ tới tham quan Nhà tù Hỏa Lò. Đó chỉ là một trong số rất nhiều nội dung sáng tạo được các bạn tạo ra để làm thay đổi góc nhìn của công chúng về di tích đặc biệt này.
“Chỉ khi trở thành đội ngũ truyền thông cho Hỏa Lò, chúng tôi mới có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn những câu chuyện lịch sử cả hào hùng lẫn đau thương của đất nước. Chúng tôi đọc trước hết vì yêu cầu công việc, nhưng càng đọc lại càng xúc động. Lần đầu tiên tới thăm Hỏa Lò, chúng tôi khóc từ đầu đến cuối”, nhóm bạn trẻ này chia sẻ trên truyền thông vào đầu năm 2024.
Nhờ sự đổi mới trong tư duy quảng bá sản phẩm, Khu di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò không chỉ còn là điểm đến của các du khách nước ngoài và người lớn tuổi mà còn hấp dẫn nhiều bạn trẻ yêu lịch sử hoặc muốn tới đây để có những trải nghiệm, cảm xúc mới lạ.
Tuy nhiên việc xây dựng nội dung lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội cũng đem tới nhiều thách thức cho Gen Z Việt Nam. Theo chủ kênh TikTok “Giao cùn”, làm nội dung lịch sử trên mạng xã hội giống như “chơi dao hai lưỡi”.
Một số nội dung lịch sử trên mạng xã hội có thể không được kiểm chứng kỹ lưỡng và có thể chứa thông tin sai lệch. Điều này có thể dẫn đến sự hiểu lầm hoặc biến tướng về lịch sử của Việt Nam, hiện tượng mà Quỳnh Giao mô tả là phong trào “lật sử”.
Trước thói quen tiêu thụ các nội dung nhanh và bắt mắt, những người làm nội dung lịch sử Việt Nam trên mạng xã hội thường dễ rơi vào cuộc cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người dùng. Các nội dung do đó thường bị giới hạn về độ dài, điều này có thể là một thách thức lớn khi cố gắng truyền đạt thông điệp lịch sử phức tạp và chi tiết.
Dù không phủ nhận sức sáng tạo và tâm huyết của Gen Z, nhưng việc nhiều bạn trẻ là “tay ngang” về nghiên cứu lịch sử sẽ không thể tránh khỏi những lúc xảy ra sai sót về mặt nội dung. Khác với những chuyên gia và học giả lịch sử nổi tiếng luôn cẩn trọng trong việc phát ngôn, các bạn trẻ làm nội dung lịch sử thường dễ dàng đưa ra các nhận định mang tính chủ quan, hoặc đưa ra những thuyết âm mưu nhằm mục đích “câu view”.
Ngô Thị Quỳnh Giao, chủ kênh TikTok "Giao Cùn". |
Việc đưa ra những nhận định sai, mang góc nhìn chủ quan cá nhân cũng sẽ tác động không nhỏ tới quan điểm của người xem, bởi không phải người trẻ nào cũng có nền tảng kiến thức vững chắc để kiểm chứng thông tin.
“Sự khác biệt giữa các chuyên gia và các TikToker nằm ở kiến thức. Không giống như những người làm nội dung số, các học giả không chỉ nắm vững kiến thức mà họ còn đầu tư thời gian để đi điền dã các di tích và di chỉ”, Quỳnh Giao chỉ ra.
Nữ TikToker này cho rằng các bạn trẻ nếu muốn xây dựng các kênh nội dung lịch sử trên mạng xã hội ngoài có nền tảng kiến thức vững chắc, cũng nên có tư tưởng vững chắc với những sử liệu và thông tin bên ngoài.