Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hàng loạt dự án bất động sản có diện tích hàng trăm hecta được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giới thiệu có tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, nhưng suốt 20 năm qua chỉ là những bãi đất trống.

Kết luận điều tra vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Bộ Công an cho thấy bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dù không giữ chức vụ gì nhưng lại là người có quyền lực tuyệt đối tại Ngân hàng SCB. Người phụ nữ này và thân tín dựng lên kịch bản thao túng, lũng đoạn hoạt động ngân hàng, dùng nhiều loại tài sản như: nhà, đất, dự án bất động sản để thế chấp.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 1

Vạn Thịnh Phát và công ty chân rết nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần để hợp thức hoá khoản vay lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng.

Các tài sản này chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng được Vạn Thịnh Phát và công ty chân rết nâng khống giá trị lên gấp nhiều lần để hợp thức hoá khoản vay lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, nhằm mục đích rút ruột tiền gửi của người dân tại SCB, phục vụ cho lợi ích của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 304.000 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Bộ Công an thu giữ số tiền gần 599 tỷ đồng, gần 15 triệu USD và hàng ngàn bất động sản, siêu xe, du thuyền… Phong tỏa hơn 1.890 tỷ đồng và gần 8,5 triệu USD; ngăn chặn giao dịch với số dư 789,8 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng SCB.

Đối với bà Trương Mỹ Lan, cơ quan điều tra tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; kê biên 1.237 bất động sản...

Một vài dự án đáng chú ý của Vạn Thịnh Phát là: dự án Mũi Đèn Đỏ diện tích 118ha ở Q.7, dự án Bonville diện tích 5,6ha ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, dự án Sterling Residence diện tích 26,4 ha và dự án Khu thể dục thể thao 5 khoảng 18,3ha thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh...

Dự án Mũi Đèn Đỏ

Năm 2007, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Penisula (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ, Khu nhà ở đô thị tại P.Phú Thuận, Q.7 (có tên gọi khác là Saigon Peninsula), diện tích gần 118ha. Tổng vốn khoảng 6 tỷ USD.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 2

Dự án Mũi Đèn Đỏ của Vạn Thịnh Phát.

UBND TP chấp thuận phương án chủ đầu tư tự thỏa thuận đền bù đất với các hộ dân. Đến giữa năm 2011, thành phố tiếp tục có văn bản giao đất thực hiện san lấp mặt bằng. Chủ đầu tư đã tiến hành thủ tục xác định tiền sử dụng đất, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất dự án.

Quá trình chi trả tiền đền bù đất, chủ đầu tư và 29 hộ dân (còn lại) bất đồng quan điểm. Những hộ dân này khởi kiện và yêu cầu TAND Q.7 tuyên buộc chủ đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ thanh toán hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên toà xét xử vụ kiện này nhiều lần bị hoãn.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài nên phát sinh nhiều quy định mới phải tuân thủ, trong đó, dự án có diện tích sử dụng đất 118ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ. Do đó, năm 2017, TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng lấy ý kiến các bộ ngành để trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.

Từ năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành trung ương để xem xét, cho ý kiến xử lý kiến nghị của TP.HCM. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được quyết định chủ trương đầu tư.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 3

Bên trong dự án Mũi Đèn Đỏ, một đoạn đường ngắn được trải nhựa, toàn bộ diện tích còn lại là bãi đất trống.

Hiện tại, khu vực thực hiện dự án được quây tôn, cổng chính trên đường Đào Trí khoá kín, vài thanh niên tự nhận là bảo vệ của dự án ngăn cản tất cả những ai muốn ra vào. Bên trong, một đoạn đường ngắn được trải nhựa, toàn bộ diện tích còn lại là bãi đất trống, dừa nước, lau sậy cao quá đầu người. Từ cầu Phú Mỹ nhìn xuống, toàn bộ Mũi Đèn Đỏ cây cối um tùm nhô ra giữa dòng sông Soài Rạp.

Dự án Sterling Residence

Nằm khuất sau khu Trung Sơn, dự án Khu dân cư - Khu 6A - Khu đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hiện là mênh mông đất trống, nhiều căn nhà tạm bợ, trạm thu mua phế liệu, bãi tập kết rác tự phát... nằm xen kẽ với giữa những đám cây, ao nước.

Dự án có tổng diện tích 26,4ha, vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, tên thương mại là Sterling Residence.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 4

Dự án Sterling Residence có tổng diện tích 26,4ha, vốn đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng.

Năm 2004, TP.HCM thu hồi và tạm giao hơn 47ha đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà thành phố (Intesco) tổ chức bồi thường và giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng Khu nhà ở và công trình công cộng phục vụ khu vực tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Năm 2007-2008, TP.HCM có nhiều quyết định điều chỉnh, bổ sung, theo đó thu hồi và giao phần diện tích 26,4ha (cắt từ 47ha của Intresco) cho Vạn Thịnh Phát tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng khu dân cư.

Những năm sau đó, mặc dù phương án bồi thường chưa được phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã tự thương lượng bồi thường khoảng 74,3% diện tích đất bị thu hồi; diện tích còn lại tiếp tục bồi thường với tổng số hộ ảnh hưởng khoảng 135 hộ.

Việc triển khai dự án kéo dài đến năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn đề nghị Ban Quản lý Khu Nam báo cáo UBND TP.HCM xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện dự án. UBND huyện Bình Chánh cũng có ý kiến về tiến độ thực hiện.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 5

Dự án giáp ranh với khu dân cư Him Lam.

Cùng năm, Ban Quản lý Khu Nam có báo cáo và đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát tiếp tục thực hiện dự án đến hết tháng 4/2021; đồng thời giao UBND huyện Bình Chánh phối hợp Ban Quản lý Khu Nam hỗ trợ Vạn Thịnh Phát củng cố pháp lý về bồi thường.

Sau thời hạn trên, nếu dự án vẫn chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao Ban Quản lý Khu Nam báo cáo UBND TP.HCM xử lý dự án theo quy định. Đến nay, dự án vẫn chưa có thông tin mới.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (48 tuổi) cho biết, gia đình cư trú ở xã Bình Hưng đã 4 đời, giấy tờ nhà đất đầy đủ nhưng Vạn Thịnh Phát chỉ bồi thường giá 20 triệu đồng/công (1.000m2). Vì thế, gia đình anh từ chối. Dự án treo suốt hai mươi năm làm cuộc sống gia đình vô cùng cực khổ, không xây dựng được, không vay vốn được, phiền hà đủ điều.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 6

Người dân sống tạm bợ bởi quy hoạch treo suốt 20 năm.

Chị Trần Thị Thuỷ Tiên kể rằng, vào khoảng năm 2003, họ (Vạn Thịnh Phát) mua đất khu vực quanh nhà chị với giá 30-40 triệu đồng/công, sau đó cao dần lên 300-400 triệu đồng/công. Năm 2012, chị bán khoảng 2,5 công giá 4,5 tỷ đồng và đến nay giá đất được đẩy lên khoảng 50-60 tỷ đồng/công nhưng không thấy triển khai xây dựng.

Khu thể thao Nam thành phố

Nằm ngay bên cạnh dự án Sterling Residence là khu chức năng số 5 thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố được quy hoạch trở thành Khu thể dục thể thao thương mại dịch vụ với diện tích khoảng 18,3ha (nay là 20,6ha).

Khu chức năng số 5 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh được chia làm hai khu. Khu 5-1 là khu thể dục thể thao (13,7ha) và khu 5-2 là khu vực nghỉ ngơi cho vận động viên, ban huấn luyện, công trình dịch vụ công cộng, công viên cây xanh và khu ở.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 7

Cổng dự án Khu thể dục thể thao Nam thành phố.

Ban đầu, vị trí này được giao cho Công ty TNHH Trung Sơn làm chủ đầu tư nhưng sau đó chuyển nhượng lòng vòng. Đến năm 2008, khu 5-1 về tay Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Khu 5-2 thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn Peninsula (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Năm 2010, Vạn Thịnh Phát cam kết về tiến độ thực hiện đầu tư toàn bộ khu 5 với Sở Tài nguyên Môi trường nhưng không triển khai xây dựng. Đến năm 2013, Sở có công văn không gia hạn dự án.

Sau đó, Vạn Thịnh Phát nhiều lần gửi văn bản đề nghị xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết để triển khai. Nhiều cuộc họp được diễn ra, thống nhất đề xuất chọn Vạn Thịnh Phát tiếp tục đầu tư dự án theo quy hoạch.

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 8

Sở Tài nguyên Môi trường TP từng chấm dứt dự án vào năm 2013.

Ban quản lý Khu Nam kiến nghị TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát được tiếp tục làm chủ đầu tư dự án. Trường hợp Thủ tướng không đồng ý thì sẽ tiến hành đấu thầu chọn chủ đầu tư, tiến hành các bước thu hồi đất dự án để tiến hành đấu thầu toàn bộ dự án cả hai khu…

Hiện tại, Khu thể dục thể thao thương mại dịch vụ thuộc khu chức năng số 5 Khu đô thị mới Nam thành phố vẫn nằm trên giấy.

Dự án Bonville

Tháng 6/2018, Vạn Thịnh Phát được UBND TP.HCM chấp thuận cho triển khai dự án Khu đô thị Bonville với diện tích 5,6ha, gồm có khu nhà phố, khu căn hộ cao tầng và trường học công lập...

Loạt dự án tỷ USD của Vạn Thịnh Phát bỏ hoang suốt 20 năm ảnh 9

Khu đất vẫn giữ nguyên hiện trạng bệnh viện dã chiến, còn khu dân cư không thấy đâu?!

Dự án này có vị trí rất thuận lợi khi nằm dọc đường Nguyễn Văn Linh - trục đường xương sống của khu Nam thành phố. Xung quanh, hạ tầng gần như hoàn chỉnh với hàng loạt dự án lớn như: Khu dân cư Dương Hồng, Khu dân cư Camellia Garden, Đại đô thị Mizuki Park..

Dự án này khá kín tiếng và chỉ được biết đến khi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai xây dựng bệnh viện dã chiến khoảng 3.500 giường phục vụ bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh năm 2021.

Thế nhưng khi dịch qua đi, khu đất vẫn giữ nguyên hiện trạng các khung nhà tiền chế, giường bệnh, hàng trăm bình oxy lớn nhỏ..., phía ngoài gắn bảng của nhà thầu An Phong. Còn dự án Khu dân cư có tên thương mại Bonville không thấy đâu?!

Ngoài những dự án trên giấy kể trên, “đế chế” Vạn Thịnh Phát còn nắm trong tay hàng ngàn bất động sản khác, trong đó có hàng loạt toà nhà, lô đất nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM.

TIN LIÊN QUAN
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.