Một “sự im lặng đáng sợ” từ Roche – chủ thể được xem là “có lợi” từ dịch bệnh Covid-19, từ chối trả lời báo chí cho đến những nhà quản lý đã thờ ơ với ngân sách, với mồ hôi công sức của người dân và cả những chỉ đạo từ Chính phủ....
Vì sao một thầy giáo ở Cà Mau, bán 2 hộp khẩu trang, tổng cộng 100 chiếc, mỗi chiếc chênh lệch 400 đồng/chiếc, cho học trò vì không có tiền lẻ để thối lại thì bị một loạt cơ quan, đơn vị hùa vào xem xét xử lý.... Trong khi “cú áp phe bạc tỷ”, có dấu hiệu “trục lợi, nâng giá, ăn theo dịch bệnh và buôn bán hàng hoá là thiết bị y tế không đảm bảo quy định”... của Roche lại “không ai sờ gáy”?
Tôi nhớ như in, tháng 2/2020, dư luận không khỏi bức xúc khi Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, Phòng giáo dục huyện Đầm Dơi, Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Huân hùa nhau kiểm điểm thầy giáo Nguyễn Văn Thanh. Lý do thầy giáo này có mua 2 hộp khẩu trang y tế từ trung tâm tỉnh về bán lại cho học sinh trong trường đeo nhằm tránh bị lây nhiễm Covid-19 với giá 3.000 đồng/cái (có học sinh đưa 4.000 đồng do không có tiền thối, nên các em không yêu cầu thầy thối lại), so với giá gốc mà thầy mua là 130.000 đồng/hộp/50 cái (tức giá 2.600 đồng/cái), chênh lệch với giá thầy Thanh mua về là 400 đồng/khẩu trang. Cả 2 hộp khẩu trang 100 chiếc số tiền lãi là hơn 40.000 đồng. Nếu trừ tiền xăng đi từ trung tâm về Đầm Dơi và công bán lẻ thì 40.000 đồng kia có xứng?.
Vậy mà, cả ban bệ, các cơ quan công lực hùa vào xem thầy giáo Thanh có lợi dụng trục lợi hay không?.
Cũng thời điểm đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, diễn biến phức tạp, một số địa phương khẩn trương mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thì cũng là lúc Roche toàn cầu nói chung và Roche Việt Nam (VN) nói riêng, bắt đầu đẩy mạnh chiến lược bán trang thiết bị xét nghiệm Covid-19 cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Khi đó, Roche toàn cầu có 2 hệ thống chuẩn để xét nghiệm Covid-19 đó là hệ thống máy mở LightCycle 480 II và hệ thống xét nghiệm đóng Cobas 6800/8800 (đây là hệ thống duy nhất được FDI Hoa kỳ cấp phép thương mại).
Sẽ không có gì đáng nói nếu Roche VN chào bán thiết bị đã được cấp phép, đã có hồ sơ đầy đủ, có chức năng thông dụng... cùng với kit xét nghiệm của Roche đi kèm.
Tuy nhiên, dưới danh tiếng, uy tín lâu nay trên thị trường thiết bị y tế, Roche VN đã tiến hành một “cú áp phe lịch sử” mà xưa nay chưa từng có đó là đem hệ thống thiết bị Cobas 4800 từ hệ “đóng” chuyển sang hệ “mở” để bán cho các CDC nhằm xét nghiệm Covid-19.
Điều đáng nói là khi đó, Roche VN nói riêng chưa đưa ra kết quả đánh giá chất lượng, cũng như chưa bổ sung hồ sơ thiết bị khi thay đổi công năng, phạm vi xét nghiệm, kỹ thuật ngoài danh mục (cụ thể là với Covid-19)....
Vì thế, để “lấp liếm” và tạo lòng tin cho các CDC, ngày 26/3/2020 Roche VN ra một “thư thông báo” cam kết hiệu quả của LightCycle 480 và không quên “gài” vào hệ thống đóng Cobas 4800 được tuỳ tiện chuyển sang hệ “mở” để xét nghiệm Covid-19.
Để tạo niềm tin cho các CDC, Roche VN “mượn danh” các đơn vị như Viện Pasteur TP.HCM, Viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bạch Mai... đang dùng máy của Roche. Tuy nhiên, bệnh viện cơ sở nào, cụ thể đang dùng thiết bị nào, chất lượng, hiệu quả ra sao thì Roche VN không nói rõ (vì biết đâu mà nói). Chưa kể, việc Roche VN “mượn danh” một số đơn vị trên lại chưa có sự đồng ý hay trao đổi với các đơn vị trước khi đem “tên tuổi, uy tín” của họ để bán máy Cobas 4800 cho Roche.
Đáng lưu ý là giá Cobas 4800 vào thời điểm đó không chỉ bị “loạn giá” mà còn có dấu hiệu bị “thổi giá”. Chi phí khi CDC như Thái Bình, Ninh Bình... được chào thầu Cobas 4800 là 6 tỷ tới hơn 8 tỷ đồng. Trong khi tại thời điểm đó chi phí mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 LightCycle 480II của Roche chỉ tốn khoảng trên dưới 2 tỷ đồng/hệ thống. Sau khi vụ việc CDC Hà Nội trục lợi bị đổ bể, hàng loạt cán bộ bị khởi tố, bắt giam thì bên bán máy Cobas 4800 mới thương lượng giảm giá. Số tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng.
Chưa hết, dù trong thư thông báo Cobas 4800 “có thể” sử dụng cho kit do Roche sản xuất, nhưng không hiểu sao, khi bán dòng máy Cobas 4800, Roche và hệ thống phân phối của họ lại “bỏ quên điều này” để bán kèm kit do Việt Nam sản xuất. (Một nguồn tin Ngày Nay cho hay, khi đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, kit do Roche sản xuất được “ưu tiên” xuất sang Mỹ, châu Âu... một phần là do bên đó tình hình dịch bệnh đang phức tạp, một phần là các nước kia, khi người ta mua thiết bị của Roche phải dùng kit đồng bộ do Roche sản xuất, không dùng kit hãng khác nếu chưa qua thử nghiệm, kiểm chuẩn...).
Bởi vậy mới có chuyện, sau khi bán thiết bị Cobas 4800 cho các CDC, Roche VN chỉ đem cỡ một vài trăm kit của Roche sản xuất để... “làm màu”, sau đó là chạy kit Việt Nam sản xuất. Bất chấp kết quả thế nào.
Trong khi, kit Việt Nam do công ty Việt Á nghiên cứu, sản xuất khi đó chưa tiến hành thử nghiệm và được phê duyệt cho hệ thống đóng, đặc biệt là Cobas 4800, mà chỉ tiến hành trên các hệ máy mở như LightCycle 480II (Roche), Applied Biosystems (ABI) 7500 Fast; Mx3000P QPCR System (Agilent Technologies); iCycer IQ5, CFX96n (Bio-Rad Laboratories)…
Dịch bệnh xảy ra, người dân trải qua bao nhiêu khó khăn, ngân sách phải dồn cho... chống dịch. Chúng ta đã huy động tất cả nguồn lực, thậm chí hàng trăm ngàn người dân đã cùng nhau nhắn từng tin nhắn vài ngàn đồng để ủng hộ... Vậy mà, Roche Việt Nam khi đó lại cam tâm bán máy Cobas 4800... thu về bạc tỷ.
Tại sao một thầy giáo, bán khẩu trang chênh lệch 400 đồng/chiếc. Tổng cộng số tiền chỉ hơn 40.000 đồng, thì ban bệ, ngành vào cuộc, Quản lý thị trường tham gia.... Trong khi, vụ Cobas 4800 liên quan tới cả chục ngàn người xét nghiệm, cả một cộng đồng liên quan... lại không thấy bóng dáng Vụ trang thiết bị Y tế, Bộ Y tế vào cuộc xử lý, cũng không thấy bóng dáng các Ban, Ngành khác như Hải quan, Tài chính, thậm chí là cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ.
“Luật cho thầy giáo” đâu có khác “luật cho Roche” vậy sao không có ai làm?.
Liệu có gì đó ở Roche?.