Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Vụ Đối tác công - tư (PPP), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, công ty TNHH QL1 Tiền Giang, Ban quản lý dự án 8, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT khẩn trương phối hợp triển khai kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017, báo Vietnamnet đưa tin.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chủ trì, phối hợp với công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang, Sở GTVT Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu các phương án xử lý, đề xuất giải pháp, phân tích ưu, nhược điểm cụ thể đối với mỗi phương án.
Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ.
Phương án 2: Xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên QL1 hiện hữu.
Phương án 3: Di dời trạm về tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên QL1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông. Trường hợp phương án tài chính không hiệu quả, tính toán kinh phí cần thiết Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.
Ngoài 3 phương án trên, phương án vẫn đặt trạm ở vị trí hiện tại và thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỷ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, sau đó thực hiện di dời trạm về tuyến tránh cũng đang được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, đánh giá và tính toán ưu và nhược điểm.
Ông Huyện cho biết, theo yêu cầu của Bộ GTVT, các phương án báo cáo cần thu thập đủ số liệu phương tiện các loại (xe tải, xe khách) dự kiến phân luồng xe đi trên tuyến tránh và xe đi trên QL1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy, có ý kiến thống nhất của địa phương; thực hiện đàm phán, thống nhất sơ bộ với nhà đầu tư.
Trao đổi với Zing.vn sáng 9/12, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết đơn vị đang chờ quyết định của Thủ tướng về BOT Cai Lậy.
Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Cai Lậy |
Theo ông Hiệp, sự việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy thời gian qua nằm ngoài tầm kiểm soát.
“Có nhiều người nói rằng Nhà nước nên mua lại trạm thu phí. Chúng tôi sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền. Nhưng thực sự, công ty vẫn mong muốn có cách giải quyết hài hòa ở dự án. Nghĩa là chúng tôi mong muốn tiếp tục được khai thác dự án này”, đại diện công ty nói.
Hiện, chủ đầu tư chấp hành dừng thu phí 1-2 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Về thông tin chủ đầu tư sa thải 118 nhân viên sau khi dừng thu phí, ông Hiệp cho biết đó là thông tin không chính xác. Công ty hiện có khoảng 120 nhân viên làm việc tại trạm, với mức lương bình quân từ 5 triệu đến 20 triệu/tháng.
Hiện, các nhân viên tại trạm vẫn làm việc và được trả lương, đóng bảo hiểm bình thường theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, trong 3 phương án đưa ra, Bộ tiếp tục phân tích theo hướng chia ra nhiều phương án nhỏ khác.
“Đây là bài toán rất đau đầu. Sau khi phân tích cụ thể, Bộ GTVT sẽ tập hợp lại và dự kiến báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất có thể”, vị này nói.
Tổng hợp