Vụ việc đầu tiên được phát hiện khi một người phụ nữ tìm thấy đầu và chân bị cắt rời của một con mèo đốm nâu ở bờ sông Arakawa, thành phố Saitama (Nhật Bản). Vài ngày sau, cảnh sát tin rằng phần còn lại của con mèo được tìm thấy trong khuôn viên của một trường tiểu học.
Trong vòng 10 ngày cuối tháng 2, người dân thành phố đã phát hiện thêm hai xác con mèo khác bị cắt xẻo ở cánh đồng và bên đường.
Những hành động khủng khiếp này có thể không có mối liên hệ với các vụ có nạn nhân là người song chúng vẫn khiến người dân thành phố lo sợ. Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến một kẻ hành hạ, giết hại và đăng những đoạn video bạo lực đó lên mạng cách đây mấy năm ở Saitama. Hắn ta đã bị bắt giữ và đang ngồi tù. Vụ việc cũng làm dấy lên nỗi ám ảnh những vụ sát hại trẻ em ở thành phố Kobe vào những năm 1990. Một cậu bé 14 tuổi có tiền sử thực hiện các hành vi tàn ác với động vật đã giết chết hai đứa trẻ, 10 và 11 tuổi, và làm bị thương ba người khác. Vụ việc cũng xảy ra vào thời điểm mà các trường học trong khu vực tăng cường cảnh giác. Đầu tuần này, một giáo viên tại một trường trung học cơ sở ở Toda đã bị một học sinh đâm, khiến cả trường phải sơ tán.
Theo đài NHK Nhật Bản, các trường học địa phương đã yêu cầu giáo viên đưa trẻ em về tận nhà và khuyên các em nên đi bộ theo nhóm đông. Cảnh sát cũng tăng cường tuần tra trong khu vực.
Một phát ngôn viên của sở cảnh sát Saitama cho biết họ đã tiến hành các cuộc điều tra về hành vi ngược đãi động vật và đang xem xét liệu các vụ giết mèo có liên quan với nhau hay không.
Giết hại hoặc làm bị thương động vật ở Nhật Bản là một tội ác, có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt khoảng 5 triệu yên (36.600 USD).
Trước loạt vụ việc dã man, nhiều chuyên gia cảnh báo trong tâm trí một số người, hành vi ngược đãi động vật có thể đóng vai trò là cửa ngõ dẫn đến những tội ác thậm chí còn ghê sợ hơn.
Kenji Omata, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Surugadai, nói với đài NHK: “Thông thường, những kẻ phạm tội muốn che giấu hành vi và sự tàn độc của mình, nhưng việc dám thể hiện chúng như này có thể là một hình thức thể hiện bản thân của những kẻ bất ổn tâm lý”.
Giáo sư Omata đã đề cập hành vi lạm dụng động vật trong vụ án giết người hàng loạt ở trẻ em ở thành phố Kobe.
“Tôi rất lo lắng về việc những vụ việc tương tự sẽ tiếp diễn trong bao lâu và liệu mọi người có gặp nguy hiểm hay không”, ông Omata lo ngại.
Trong khi đó, Kim J. McCoy - luật sư thành lập Tổ chức Bảo vệ và Luật Động vật Hong Kong - cảnh báo một số trường hợp đối xử tàn nhẫn với động vật đã dẫn đến những hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn đối với con người.
“Có bằng chứng thực nghiệm chứng minh mối tương quan trực tiếp giữa những kẻ lạm dụng động vật và những kẻ phạm tội bạo lực hơn đối với con người”, ông Kim kết luận.