Giống như những hình ảnh trên chiếc đèn kéo quân, cứ quay vòng, trở đi trở lại, việc xử lý sư tử đá ngoại lai thời gian qua hóa ra lại cứ dai dẳng, dây dưa đến phát… hãi!
Tình hình có vẻ thêm phần bi hài khi gần đây thường xuyên có những báo cáo, tổng kết, hội họp về thực tế giải quyết nạn sư tử đá và tiếp tục… tìm biện pháp xử lý. Tìm đến hàng mấy tháng trời mà vẫn chưa thông, vẫn chưa tìm được cách nào thỏa đáng ở từng địa phương, để rồi quanh đi quẩn lại, vấn đề được nâng lên thành phức tạp, thành đủ những khó khăn, thậm chí còn nhuốm cả mầu sắc mê tín. Nào người dân chưa hiểu hết vấn đề. Nào cán bộ cơ sở, ban quản lý di tích còn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa sư tử, nghê truyền thống với sư tử ngoại lai. Nào là con sư tử đá cũng đã nằm ở đó rồi, cũng đã có mầu sắc… tâm linh. Rồi thì không biết đặt sư tử đá vào đâu…
Trong khi thời gian qua, những gợi ý, thí dụ cho việc xử lý một cách đơn giản và khả thi đã khá rõ ràng trên báo chí, do một số nhà nghiên cứu và báo giới đề xuất. Ví như bán lại, cho lại cho các cơ sở chế tác, sản xuất đá thủ công mỹ nghệ để họ tái chế. Kinh phí lấy từ ngân sách văn hóa địa phương hoặc từ nguồn công đức của di tích. Chẳng lẽ một công tác chính quy, đàng hoàng mà ngành văn hóa phổ biến xuống các cấp, mà các sở VHTT&DL, các phòng VHTT huyện lại không có kinh phí giải quyết? Hay chính các di tích là nơi từng đón nhận hiện vật công đức là con sư tử đá hay các hiện vật không phù hợp khác, lại không có quỹ công đức hay không thể đề nghị chính quyền cơ sở hỗ trợ xử lý về nhân lực, phương tiện? Hoặc chỉ đơn giản là khi chưa chuyển đi tái chế được thì hãy cất sư tử đá ngoại lai vào một góc khuất trong khuôn viên sân, vườn của di tích rồi phủ bạt che lại, đừng để nó tiếp tục đứng ở cổng di tích nữa.
(Ảnh minh họa). |
Những bàn thảo vòng quanh trong ngành văn hóa gần đây càng cho thấy cứ dây dưa rồi lại càng đẻ ra lắm những suy nghĩ, ý tưởng kỳ quặc, nào là chôn sư tử đá ngoại lai xuống đất, thả xuống sông, hay thậm chí làm cả một vườn tượng sư tử đá ngoại lai… Đã muốn làm sạch di tích, muốn bỏ đi, sao lại muốn làm vườn tượng để làm gì nữa?
Việc giải quyết cũng đang có xu hướng sa đà vào việc tìm cách thay thế sư tử đá ngoại lai bằng nghê thuần Việt một cách máy móc, trong khi mục tiêu chính và quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là làm sao để dọn dẹp được sư tử đá ngoại lai ở các di tích.
Phải chăng sư tử đá ngoại lai ấy cũng nhiều “thần lực” đến nỗi làm cho các cán bộ quản lý văn hóa cảm thấy e sợ, ngại ngùng khi muốn ra tay với nó? Xin đừng biến mình thành chiếc đèn cù!
>>> Xem thêm
Công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
14 di tích được đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia
Hợp tác cùng Thời nay