Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch (QH) thuộc mọi lĩnh vực từ cấp trung ương tới địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Theo kế hoạch lập QH được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 QH được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.
Giữ QH nhằm hưởng lợi ích nhóm
Tại tọa đàm trực tuyến Luật QH với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế do Bộ KH&ĐT phối hợp với báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 17/10, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sau khi nhìn thấy các bất cập, Quốc hội ủng hộ chủ trương sớm ban hành luật, đưa vào nghị quyết của Quốc hội năm 2012. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lí do nên hoãn rồi lại tiếp tục 3 lần đưa dự thảo luật vào nghị quyết xây dựng văn bản luật trong kỳ họp.
“Quy hoạch gắn với xin cho, giấy phép con, thậm chí việc biết sớm thông tin về quy hoạch còn đem đến lợi ích vật chất nên các bộ ngành khó từ bỏ”.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Theo ông Tùng, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm thực hiện từ nhiều năm nay nhưng hiện việc thông qua luật chậm trễ, khó khăn vì QH gắn với lợi ích cục bộ. Bộ, ngành có thẩm quyền QH thì có thể áp đặt ý chí chủ quan của bộ chủ quản. Khi QH không còn phù hợp lại tiếp tục chạy xin thay đổi, mở rộng QH. Như QH cảng biển đến 2010 (được phê duyệt 1999), đưa ra dự báo hàng hóa thông qua hệ thống cảng năm 2010 khoảng 200 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của Cục Hàng hải, lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2009 đã là 214,08 triệu tấn; năm 2010 đạt 259 triệu tấn, vượt 30% dự báo.
“QH gắn với xin cho, giấy phép con, thậm chí việc biết sớm thông tin về QH còn đem đến lợi ích vật chất nên các bộ ngành khó từ bỏ”, ông Tùng nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, thông qua Luật QH, lợi ích của các bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ đó mất quyền xin cho, mất cái oai của mình. “Có nhiều lãnh đạo bộ ngành nói chúng tôi chỉ cần cái oai. Nhiệm vụ (QH ngành - PV) Chính phủ giao cho bộ ngành mình tại sao không giữ được; không giữ được thì giải thích như thế nào với anh em cấp dưới”, ông Hanh nói.
Ngoài lí do về lợi ích nhóm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chúng ta chưa chuyển được QH từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tồn dư bao cấp rất lớn, theo kiểu nhà nước phải quyết định cái này, cái kia. Gần đây nhất là QH trồng cây mắc ca. Trồng cái gì là thị trường quyết định, nhà nước chỉ nên QH hai thứ chung nhất là nguồn lực và hạ tầng”, ông Võ nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, trước đây, trong tư duy quản lý, các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân về thực hiện chương trình, kế hoạch đã phê duyệt. Do đó bộ nào cũng phải tự đứng ra làm QH ngành của mình.
Không thể để mãi tình trạng xin cho
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, việc thông qua Luật QH rất khó vì phải “động” đến việc thay đổi thói quen, tập quán của các bộ, ngành mấy chục năm qua. Nếu có luật, sẽ loại bỏ 95 văn bản luật và 85 nghị định. Chính phủ đã bắt đầu tái cơ cấu từ bộ máy quản lý hành chính sang bộ máy kiến tạo, hành động, phục vụ nên không thể tiếp tục cách điều hành mọi việc đều phải xin cho như trước đây.
“Phải đặt bản đồ QH của tất cả các ngành lên bàn để tìm ra điểm so lệch. Chuyên gia của các ngành ngồi với nhau, tính toán trên mô hình của nền kinh tế, chứ không phải cắt bỏ cơ học và vẽ mới bản QH tổng thể quốc gia. Làm sao để tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn của đất nước để phát triển”, ông Đông nói.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, Luật QH là bộ quy tắc để xây dựng kịch bản phát triển. Mọi thứ phải đặt trên không gian, lãnh thổ của đất nước. “Nhiều người nói là Bộ KH&ĐT làm điều này để kéo QH về bộ nhưng tôi khẳng định không phải như vậy mà xây dựng QH vì sự phát triển của đất nước”, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông nói.