Có những thời điểm nỗi buồn thường lặp lại trong tôi đó là tỉnh lại sau những giấc ngủ chiều muộn. Âm thanh của chiếc máy hát để bên vẫn thả ra đều đều những giai điệu nhẹ nhàng có thể có lời ca hoặc không lời. Lúc đó cảm giác hoang hoải lắm. Tâm trạng lúc đó trống trải chỉ muốn chờ thứ khác đến lấp đầy. Những lần tỉnh dậy chiều muộn buồn như thế hay lặp lại trong tôi.
Tôi cũng nhớ nỗi buồn sau một giấc ngủ, tỉnh dậy thấy người thân yêu không còn bên mình nữa. Có thể là chia tay lâu lắm mới gặp, hoặc đau đớn hơn là một người chia tay mãi mãi.
Một lần tôi tỉnh dậy ở vùng biên ải, trong một căn nhà của một tộc người thiểu số, sương lạnh tràn vào làm tôi không tài nào ngủ lại được. Ánh trăng hạ huyền lọt qua khe liếp, tràn ngập cả tôi. Không nghĩ gì nhưng nước mắt tự chảy, lúc tỉnh táo nghĩ lại thật ẩm ương và buồn cười.
Tôi nhớ lúc nhỏ, trước mỗi lần ba tôi dẫn tôi vô Nam, mẹ tôi thường hay qua nằm ôm tôi. Mấy lần trở mình dịch người lại nằm sát bên mẹ, mẹ tôi tưởng tôi mơ ngủ. Nhưng em tôi khóc, mẹ lại dậy. Rời tôi. Cảm giác được dịch lại gần một thương yêu không điều kiện, tôi cứ tiếc nuối mãi và dặn mình phải trân quý.
Mỗi lần nóng giận cáu gắt nói một lời dao nhọn với người thương yêu, tôi lại đau đớn dằn vặt rất lâu. Cứ sợ một nỗi sợ ký ức lặp lại rằng đó có thể là lời cuối cùng mình nói với một người thương yêu, nhưng không phải những lời thương yêu mà lời dao nhọn.
Như đại đa số thành viên trong gia đình tôi, ít ai nói yêu thương hay một cử chỉ ngọt ngào như trong phim cả. Những đối thoại, lời lẽ bình dị hằng ngày. Nhiều lúc cũng tủi tủi. Nhưng cũng quen rồi. Sợ một ngày cả những lời bình dị ấy cũng không còn được nghe nữa.
Hôm nay tôi đọc một status một người thấy bảo Thuỵ Điển là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Vài lần tôi có nghe Việt Nam cũng vào top những quốc gia hạnh phúc nhất. Tôi không rõ họ đo đếm tổng chỉ số hạnh phúc đó như thế nào. Nhưng mỗi người Thuỵ Điển, Việt Nam đều hạnh phúc? Hoặc một người bất hạnh đến Thuỵ Điển có trở thành người hạnh phúc hay không?
...............................
Cô đơn
Tên bài hát “Soledad”, trong tiếng Tây Ban Nha là “CÔ ĐƠN” (hiểu theo danh từ, tính từ gì cũng được).
Mỗi khi nghe đến những câu: “Even when I close my eyes There’s an image of your face And once again I come I’ll realise You’re a loss I can’t replace SOLEDAD” trong đầu tôi lại thầm nghĩ chỉ có thể là tâm sự của 1 chàng trai thôi, và chàng trai này đang ngồi ở 1 bến sông, 1 bãi biển thanh vắng. Vì sao thế nhỉ!!! Vì cái da diết, khắc khoải ấy đàn ông không biết gửi vào đâu mới gửi vào thơ, nhạc, vào thiên nhiên.
Ngược lại, với cô gái thì có quá nhiều chỗ để trút nỗi cô đơn. Siêu thị, shop thời trang, ăn uống... tất cả đều khả dĩ. Mà lạ 1 điều nữa, là khi nghe bài này tôi lại nhớ đến những trang đầu tiểu thuyết “OF MICE AND MEN” của John Steinbeck. Trong truyện có địa danh “Soledad” - vùng đất cô đơn - có dòng sông Salinas chảy quanh những sườn đồi xanh mướt, sâu thẳm; giống dòng sông Hương trong thơ của Thu Bồn vậy.
Nếu vùng đất trong tiểu thuyết là có thật, chắc tôi cũng đi đăng ký hộ khẩu thường trú ở đó thôi.