Thoắt như cái chớp mắt, chưa kịp chiêm bao trời đã sáng banh!
Mẹ gọi điện, bảo: Hay nhân dịp này, làm sẵn một chỗ để dành sau này khỏi phải làm? Tôi chưa kịp giật mình, “mắng” đè bà lão: Mẹ dạo này lẩn thẩn hay sao mà lại lo xa những việc ấy?
Bà lão gần 70 tuổi, bảo: Rồi ai cũng thế. Giờ, mẹ không sợ điều ấy!
Bao nhiêu năm, tôi vẫn nhớ hơi thở thơm tho của mẹ phà ra trong một bữa cơm mùa xuân mới: Mẹ uống một chén rượu nhỏ cùng bố trong bữa cơm tân xuân, rồi lấy chiếc tăm, hoặc một mảnh cau khô để xỉa răng khiến nó phát ra những tiếng tanh tách...
Hàm răng đều, trắng tinh của mẹ, hơi thở thơm tho, không biết có phải hương rượu nếp nồng nàn hay mùi của mùa xuân - thời điểm đủ đầy nhất của ngũ cốc, thực phẩm... mà nhà nào, dù có thắt lưng buộc bụng cữ ra Giêng, vẫn cố gắng tươm tất ba ngày đầu năm mới.
Giờ, dù đã sang tuổi 40, tôi vẫn nhưng nhức nhớ mùi thơm tho ấy!
Mang gì về cho mẹ?
Tôi đã mang nhiều: Vài cân nếp cẩm từ xứ Tây Bắc xa xôi. Cân măng khô từ rừng Việt Bắc. Hoa quả, cây trái vùng miền. Miếng trâu khô gác bếp. Can rượu mầm thóc của mạn Hàm Yên. Ít chè khô của xứ Thái, xứ Tuyên... Măng đắng, măng tre, măng mai, măng nứa. Cả những ít dổi rừng, dẻ rừng, bịch khoai sọ, khoai môn, hay một doi thịt rừng gói trong lá chuối ngược ngàn về xuôi, trong một chuyến công tác kịp ngày về...
Tôi cũng mang về cho mẹ những giọt nước mắt, trong những lần ham chơi với bạn bè, rượu uống vắt samg ngày mai, để bà chong chong đợi cửa. Hay những lời chỏng lỏn thiếu suy nghĩ, mà nguyên cớ từ những chuyện chẳng vào đâu...
Đôi lần, nhìn bóng mẹ chênh chao trên chiếc xe đạp đã sờn hết sơn, lớp sắt của khung xe trồi ra đã lên màu bóng láng... Thân hình nhỏ bé ấy, dường như ngày càng thóp lại, tựa như con cá biển tóp teo theo những ngày hong nắng...
Mang gì về cho mẹ?
Khi đã có gia đình, cuộc sống tạm ổn khi lấy thước đo của xuất phát điểm khởi đầu để so sánh..., những lần về quê, đưa cho mẹ ít tiền tiêu. Có những lần, rời quê lên, chỉ giữ vài trăm lẻ đề phòng đi đường xe hỏng, mà vẫn ỉ ôi với bà lão, rằng mẹ không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền cho con cái!
Những ngày cuối tuần, vác bầy trẻ con về quê với bà nội. Quãng đường không dài không ngắn, mang tiếng trẻ thơ về với ngôi nhà mà càng ngày, càng như chỗ ở trọ, để mẹ bớt buồn...
Xung quanh, vẫn con đường, ngõ xóm, gốc bàng, cây phượng. Xưa, khi bé, nhìn nó lừng lững, sừng sững. Lớn, nó kềnh càng hiện hữu như một thứ khó chuyển dời. Càng khi có tuổi, nhìn thấy nó càng ngày càng xa tít, hệt như một vật thể chơi trò rượt bắt, mà mình là kẻ đuổi bắt, hụt hơi không đuổi kịp...
Chiều cuối tuần. Mang chiếc máy cắt cỏ ra nghĩa trang làng dọn dẹp chuẩn bị cho ngày tới kị. Nghĩa trang rộng, hoang vắng. Những bia mộ như trầm ngâm. Chả biết, người dưới mộ đang nghĩ gì!
Bà lão loạch choạch xe đạp đội nón đi ra, mang theo chiếc liềm, rồi cùng phụ con cắt cỏ... Những đứa con, trong mắt cha mẹ mình, luôn và sẽ luôn là những đứa trẻ!
Mang gì về cho mẹ?
Gì cũng được. Ngoại trừ những buồn phiền, thì đừng mang về cho mẹ!
Tôi, đã mang về cho mẹ nhiều nụ cười, nhưng cũng nhiều giọt nước mắt.
Nghĩ, đến giờ vẫn thấy đắng!