Đại diện Microsoft tại Việt Nam ngày 21/7 cho hay vào hôm qua (20/7), David Weston - Phó Chủ tịch phụ trách Doanh nghiệp và Bảo mật OS của hãng đã chia sẻ sự cố toàn cầu.
Cụ thể, vào ngày 18/7/2024, CrowdStrike, một công ty an ninh mạng độc lập, đã phát hành bản cập nhật phần mềm và tác động đến các hệ thống công nghệ thông tin trên toàn cầu.
"Mặc dù đây không phải là sự cố của Microsoft, nhưng do nó tác động đến hệ sinh thái của chúng tôi, chúng tôi muốn cung cấp thông tin cập nhật về các bước chúng tôi đã thực hiện với CrowdStrike và các bên khác để khắc phục và hỗ trợ khách hàng của mình," đại diện Microsoft cho biết.
Kể từ khi sự việc này bắt đầu, Microsoft đã duy trì liên lạc liên tục với khách hàng, CrowdStrike và các nhà phát triển bên ngoài để thu thập thông tin và đẩy nhanh các giải pháp khắc phục
Đại diện Microsoft cho biết mặc dù các bản cập nhật phần mềm đôi khi có thể gây ra sự cố, nhưng các sự cố đáng kể như sự kiện CrowdStrike lại không thường xuyên xảy ra. Hiện tại, Microsoft ước tính bản cập nhật của CrowdStrike đã ảnh hưởng đến 8,5 triệu thiết bị Windows hoặc ít hơn một phần trăm tổng số máy Windows. Mặc dù tỷ lệ phần trăm này là nhỏ, nhưng tác động kinh tế và xã hội rộng lớn phản ánh việc sử dụng CrowdStrike của các doanh nghiệp chạy nhiều dịch vụ quan trọng.
CrowdStrike là một trong những công ty bảo mật mạng lớn nhất ngành công nghiệp. Ngày 19/7, bản cập nhật phần mềm Falcon Sensor của công ty, được dùng để bảo vệ cơ sở hạ tầng đám mây Microsoft Azure và máy tính Windows, đã khiến hàng nghìn chuyến bay bị hoãn, đài truyền hình ngừng phát sóng và người dùng không thể truy cập vào các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe hay ngân hàng.
Tại Việt Nam, sự cố này cũng gây ra một số ảnh hưởng nhỏ tới một số hãng hàng không khiến việc đặt chỗ, làm thủ tục online gặp sự cố.
Microsoft cho biết CrowdStrike đã phát triển một giải pháp giúp hạ tầng Azure nhanh chóng khắc phục, đồng thời hợp tác với Amazon Web Services và Google Cloud Platform để chia sẻ thông tin về các tác động Microsoft đang gặp phải.