1. Trận lũ lụt kinh hoàng vào năm nay gây thảm cảnh tại miền trung dường như đánh thức nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Diện tích rừng tự nhiên, phương thức trồng rừng mới, thủy điện nhỏ phải chặt bỏ cây rừng... là dòng chủ lưu thời sự trong nước bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhiều năm trước, tôi được dạy trong nhà trường, rừng giữ đất, chống lũ quét, xói mòn và bảo vệ con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của rừng và ngay trong nhận thức của bất cứ cá nhân nào bình thường về tư duy cũng hiểu rõ rừng và môi trường sống chính là một, mất rừng đồng nghĩa môi trường sống bị huỷ hoại. Có lẽ vì vậy, những phát biểu của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lân Hiếu, ĐBQH K’sor H'Bơ Khăp đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nếu không muốn nói gần như được ủng hộ tuyệt đối.
Không phải bây giờ chúng ta mới lo lắng về rừng, không phải bây giờ mới có hồi chuông báo động về tình trạng chảy máu gỗ đại thụ của rừng. Mà như ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu thì, "Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới... Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ tẹo nào".
Chính vì cần thay đổi tư duy, cần một quan điểm rõ ràng rành mạch của các tư lệnh ngành nên ĐBQH K'sor H'Bơ Khăp mới chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà rất trực diện, rõ ràng:
"Bộ trưởng trả lời có hay không ủng hộ thủy điện nhỏ, chứ không có nhưng".
Đáng tiếc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã không có câu trả lời cho câu hỏi này.
Nhiều năm nay, tôi vẫn khao khát được chứng kiến một cán bộ lãnh đạo có cá tính chính trị, để dám làm dám quyết dám chịu trách nhiệm. Bởi với câu hỏi "có hay không" mà tư lệnh ngành còn không trả lời được, thì quyết sách lớn đến tay tư lệnh ngành, tư lệnh ngành sẽ giải quyết ra sao?
Quan trọng hơn, tôi cho rằng trong phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trả lời câu hỏi của ĐBQH, chứ không thể nào im lặng xem như cho qua.
Đến ĐBQH hỏi còn không nhận được câu trả lời, thì nhân dân tìm câu trả lời ở nơi đâu.
2. ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo là một người tâm huyết với giáo dục, Đại biểu dành nhiều thời lượng đưa ra các giải pháp, hiến kế cho giáo dục. Đại biểu cũng yêu cầu cần truy trách nhiệm hình sự vụ liên quan đến sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là kiến thức nền tảng, kiến thức phổ quát mà bất cứ dân tộc nào cũng muốn có nội dung hay, xuất sắc. Nhưng, khi một bộ sách giáo khoa không đáp ứng tiêu chí này lại được biên soạn bởi hàng loạt Giáo sư, Phó Giáo sư... thì rõ ràng đây không đơn thuần là một sai sót.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền phải sử dụng cụm từ "người lớn đã sai rồi" khi bàn về vấn đề này, "Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với sự tiếp thu của đứa trẻ".
Rõ ràng, là người lớn đã sai trong câu chuyện sách giáo khoa. Người lớn sai, người lớn lại lao vào biện hộ cho cái sai mà bỏ quên hạt nhân chính là những cháu bé mới tròn sáu tuổi.
Trong xã hội loài người, trẻ em trong độ tuổi này cần được bảo vệ tuyệt đối. Vậy thì nếu dĩ hòa vi quý câu chuyện sai sót sách giáo khoa, người lớn đã không sòng phẳng với trẻ nhỏ.
Người lớn không sòng phẳng với trẻ nhỏ, gọi là ỷ lớn hiếp nhỏ hay cả vú lấp miệng em cũng được.
Vậy mà, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo lại phải tranh luận với đại biểu khác về ý kiến rất xác đáng của chị. Có đại biểu của dân và cũng có đại biểu của ai chăng?
Tất nhiên, sẽ không có truy cứu trách nhiệm hình sự, không có khởi tố, không cắt chức bất cứ lãnh đạo nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng chất vấn của ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo cho phép hy vọng về một lớp ĐBQH sâu sát trước tình hình của đất nước, nặng lòng với dân tộc, phụng sự cho cái chung.
3. Tôi không cho rằng chỉ có những ĐBQH mà tôi nhắc tên mới biết lo cái lo của nhân dân, vui cái vui của nhân dân, bởi làm ĐBQH tức là đã đại diện cho quyền lợi của người dân rồi.
Chẳng qua là vì có nhiều ĐBQH bận bịu việc riêng, mê mải vinh danh ai đó mà quên mất trách nhiệm của mình. Quên đến độ không ý thức được họp Quốc hội không có phiên khen ngợi. Điển hình có ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH Tỉnh Quảng Bình.
Không giữ được một môi trường giáo dục trong sạch nhân văn, không giữ được một môi trường sống an lành bằng những chất vấn mạnh mẽ để yêu cầu các tư lệnh ngành phải tư duy liên tục, phải làm việc... thì lấy lời khen lãnh đạo thay thế sách giáo khoa và oxy được chăng?!