Ảnh minh họa. |
Mở cái thùng carton vợ đóng kỹ từ ngày cháu về Việt Nam, thấy một cái áo khoác, rồi lòng cứ nao nao nhớ về những mùa đông xưa cũ.
...
Trong hành lý về nhà chồng của mẹ có một cái vali màu mận chín đã bẹp. Mùa đông, mẹ lôi mãi mới ra một chiếc áo len cổ lọ màu huyết dụ. Cái áo len đã thủng một lỗ tướng dường như là chuột cắn, ở chỗ mạng sườn bên trái. Mẹ bảo: Con mặc vào rồi mặc cái áo bông ra ngoài. Đi học, qua cầu con, rồi cầu to, gió mùa đông bắc thổi ù ù, thổi dúi dụi cả đầu con trâu trắng của chú Nanh xuống gốc rạ ngoài rộc mà cái áo len cổ lọ vẫn hiên ngang suốt cả những mưa phùn.
Năm năm mướt mải theo lộ trình cầu ao bà Lãng, gốc đề, cột điện đôi, ngõ ông Nậm, cầu to, cầu con rồi ngược lại, áo len cổ lọ thủng sườn được chuyển giao cho Thương nhưng nó coi thường rét mướt, lại chỉ diện đúng cái áo bông, lọt xuống cho thằng Dũng.
Chia tay áo len cổ lọ, tôi đi học năng khiếu xa nhà.
Ba năm cấp ba, hình ảnh quen thuộc là một cái túi lưới, một cái nón lá và cái áo bông trần lót sa tanh của bà ngoại. Người cho là nghèo. Kẻ gọi là gàn. Thực ra, lúc đó không phải không có áo. Dì Toán hoành tráng nổi danh cõi Cổ Ra. Một lần Dì đi qua chợ Rồng Nam Định thấy người ta rao bán một bộ bò mốc ai cũng trầm trồ xuýt xoa nhưng xem xong đều chạy vì giá cả bộ một chỉ vàng.
Dì mua không cần mặc cả.
Mặc được mấy bận, rồi mang về để nhà, ông ngoại bảo “cháu thích thì lấy mà mặc”.
Dì Liên cũng gửi ra một cái áo nỉ màu xanh cô ban sọc tay màu trắng đẹp mê ly (cái áo này sau theo tôi 4 năm đại học và hai năm ra trường làm báo). Nhưng vẫn thích mặc áo bông bà ngoại vì nó cũ, vì bà đã bỏ nó đi. Vì ba năm cấp ba ngụp lặn trong xa cách và mặc cảm sau một bận lỡ chân đá trượt bạn hoa khôi của lớp.
...Thương bỏ Cần Thơ ra Nam Định học làm giầy. Năm 1996 lấy da từ cái áo gilê cũ nó đóng cho anh một đôi giày giấu đế để tăng chiều cao. Mua được một cái áo Na tô mơ ước mang đến số 2 Chùa Bộc nhờ chị Yến sửa. Ba bốn năm sau, nhà bác Khánh chuyển về Kim Giang, đường Chùa Bộc giải tỏa, chị Yến bỏ nghề may làm cho siêu thị âm thanh trên phố Hai Bà Trưng rồi sang Mỹ theo chồng. Áo Na tô chưa mặc một lần vẫn ấm trong kỷ niệm.
Mẹ mất. Năm ấy, tháng 10/1997, vừa rời ghế nhà trường được hơn năm.
Tết lạnh, bác Huế gọi đến bàn làm việc ở góc phải tầng 3 nhà 79 Lý Thường Kiệt, đưa cho ba trăm bảo “cháu cầm mua áo ấm cho các em”.
Năm ấy Dệt mùa đông trên phố bây giờ gọi là Nguyễn Tuân cũng vừa trổ cổng ra đường làm ki ốt bán hàng. Mua cho Dũng một cái áo len cổ lọ màu xám, Thủy một cái áo len cổ tròn màu trắng thì hết ba trăm, lấy cái áo giả da Chùa Bộc cho Bền còn hai anh em có gì mặc nấy.
Tết sang. Vắng mẹ nhà lạnh càng thêm lạnh. Bố sùm sụp trong cái áo ba đờ suy thừa hưởng của ông nội. Mưa phùn phun bụi đầy lên hàng râm bụt “lạnh quá, may năm nay có bụi nên không phải đi đâu”...
Mùa đông xưa đã xa xôi.
Áo lạnh mới chất đầy trong tủ.
Mà chiều nay nhìn cái áo khoác của thằng cháu vẫn thấy nao lòng.