Tuyên bố được đưa ra tại thủ đô Naypyitaw cho biết Bộ Ngoại giao đã gửi thư phản đối tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và chủ tịch Đại hội đồng, trong đó mô tả nghị quyết vừa được thông qua hôm thứ Sáu là ''dựa trên những cáo buộc phiến diện một chiều và những giả định sai lầm''.
Nghị quyết phản ánh một sự đồng thuận quốc tế rộng rãi lên án việc lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi. Nghị quyết kêu gọi chính quyền quân sự khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước, lên án ''bạo lực quá mức gây thương vong'' kể từ khi quân đội tiếp quản và đề nghị tất cả các quốc gia ''ngăn chặn dòng vũ khí vào Myanmar.''
Nghị quyết cũng yêu cầu lực lượng vũ trang của Myanmar trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Suu Kyi, các quan chức và chính trị gia khác bị giam giữ sau cuộc đảo chính, cũng như ''tất cả những người đã bị giam giữ, buộc tội hoặc bắt giữ tùy tiện.''
Dự luật đã được thông qua với 119 quốc gia bỏ phiếu thuận, Belarus - nhà cung cấp vũ khí lớn cho Myanmar - bỏ phiếu chống và 36 quốc gia bỏ phiếu trắng, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.
Đại sứ Liên hợp quốc Myanmar Kyaw Moe Tun, người hồi tháng 2 đã lên tiếng phản đối việc tiếp quản quân sự, đã bỏ phiếu ''đồng ý'' và kêu gọi cộng đồng quốc tế ''thực hiện hành động mạnh mẽ nhất có thể để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự.''
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết họ coi ông Kyaw Moe Tun là đã bị cách chức và lưu ý rằng ông bị buộc tội phản quốc ở nước này. Theo đó, sự tham gia và hành động của ông Kyaw Moe Tun trong cuộc họp là không hợp pháp và không thể chấp nhận được, Myanmar mạnh mẽ từ chối sự tham gia và phát ngôn của ông này tại Liên hợp quốc.
''Mặc dù Myanmar tiếp thu những lời khuyên mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mà Myanmar đang phải đối mặt, nhưng bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm chủ quyền nhà nước và can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar sẽ không được chấp nhận'', tuyên bố cho biết.