Bên cạnh khủng hoảng kinh tế – chính trị sâu sắc do cuộc đảo chính hồi tháng 2 gây ra, Myanmar hiện còn đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ hồi năm ngoái.
Chương trình tiêm chủng của nước này đã bị đình trệ, công tác xét nghiệm bị đứt gãy, không được triển khai trên diện rộng, và các bệnh viện công gần như không hoạt động.
Ông Tom Andrews - báo cáo viên đặc biệt của LHQ, cho biết số liệu về tình hình dịch bệnh tại Myanmar đang hết sức thiếu minh bạch. Việc chính quyền quân sự kiểm soát hoạt động của các nhà báo và bác sĩ đã khiến cho việc thu thập thông tin về tình hình thực tế tại Myanmar ngày càng trở nên khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, theo số liệu mà chúng tôi có được, Myanmar đang trải qua một đợt bùng phát mạnh. Nó có tốc độ lây lan nhanh chóng, và mức gia tăng đang ở ngưỡng đáng báo động”, ông Andrews cho biết.
Theo Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, tính từ ngày 1/6 tới nay, nước này đã ghi nhận 4.629 ca tử vong do COVID-19. Nhưng số liệu này vẫn được cho là thấp hơn so với con số trên thực tế.
Hãng tin Irrawaddy mới đây đưa tin 10 lò hỏa táng mới sẽ được xây dựng tại các nghĩa trang ở Yangon – thành phố lớn nhất của Myanmar, để đối phó tình trạng quá tải tại các nhà thiêu và xử lý thi thể các bệnh nhận trong thời gian sớm nhất.
“Ở Yangon, sẽ dễ dàng bắt gặp ba kiểu xếp hàng. Một là trước máy ATM, một là trước các trung tâm phân phát oxy y tế, cuối cùng là hàng dài trước các lò hỏa táng và nhà xác”, ông Andrews báo cáo.
Tình trạng thiếu hụt oxy, thiết bị y tế và dược phẩm ở các thành phố trên khắp Myanmar đang vô cùng nghiêm trọng. Nhiều người dân đã phải treo cờ vàng hoặc trắng để thông báo họ cần thuốc và thực phẩm. Trên mạng xã hội tràn ngập những bài đăng cầu cứu và thông báo về cái chết của người thân, bạn bè.
Đã xuất hiện những cáo buộc cho rằng chính quyền quân sự đang kiểm soát nguồn cung oxy khi ra lệnh cho các nhà cung cấp không được bán cho người dân vì lo ngại tình trạng tích trữ.
Ông Andrews cảnh báo rằng các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước láng giềng của Myanmar, cần phải nhanh chóng hành động để ứng phó với tình hình, nếu không sẽ hứng chịu hậu quả của một đợt bùng phát dịch vượt tầm kiểm soát tại khu vực.
“Myanmar đang trên đà trở thành quốc gia siêu lây nhiễm với những biến thể cực kỳ nguy hiểm, dễ gây tử vong, có tốc độ lây lan nhanh chóng như Delta và các biến thể khác. Xét trên mọi phương diện, tình hình hiện nay là vô cùng nguy cấp”, ông Andrews nhấn mạnh.
Nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, Myanmar một khi đã trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm sẽ gây tác động nặng nề tới các nước láng giềng.
Hồi tháng 2, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở tất cả các khu vực trên toàn lãnh thổ Myanmar để đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế khi tiếp cận và cung cấp vaccine ngừa COVID-19.
Ông Andrews cho rằng nghị quyết này nên được tái khẳng định một lần nữa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Myanmar đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Động thái này nếu như được thông qua, có thể tạo điều kiện giúp mở đường cho các tổ chức quốc tế triển khai hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại nước này.
Hôm Thứ Tư, tờ Global New Light do giới chức quân đội kiểm soát, đưa tin rằng Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, đã tuyên bố sẽ “tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm ASEAN và các nước khác trong phòng ngừa, kiểm soát và điều trị COVID – 19”.
“Người dân Myanmar đang dần mất hy vọng vào việc cộng đồng quốc tế quan tâm đến những gì đang xảy ra tại nước này”, ông Andrews nhấn mạnh.