Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII được nhiều cán bộ, đảng viên tại Bạc Liêu đồng tình, đánh giá cao; qua đó chia sẻ, đề xuất những vấn đề mà mình quan tâm.
Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và hợp tác xã
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu, trong 20 năm qua, kinh tế hợp tác ở tỉnh Bạc Liêu có sự phát triển rất rõ. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã; qua đó nhận thức của cán bộ cơ sở và tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở đều đưa chỉ tiêu phát triển kinh tế hợp tác vào chỉ tiêu hàng năm. Cùng với đó là quy mô, chất lượng hoạt động của hợp tác xã đã được nâng lên khá nhiều, số lượng tăng lên. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có hơn 200 hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, hoạt động của các hợp tác xã cũng còn có những hạn chế nhất định. Đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi, một số thời điểm còn hạn chế, nhất là trong việc tuyên truyền, triển khai thường xuyên các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế hợp tác. Ngoài ra, một số chính sách để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn cũng chưa được triển khai thực hiện đồng bộ; việc đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tạo được nhiều điểm nhấn trong hoạt động kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, nhiều hợp tác xã đã tạo ra được các sản phẩm có chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên về mẫu mã chưa bắt mắt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ thực trạng trên, để lĩnh vực kinh tế hợp tác phát huy hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Văn Vũ đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu ban hành Nghị quyết về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác theo hướng cập nhật những diễn biến mới, làm cơ sở để các địa phương thực hiện tốt hơn; đồng thời bàn hành các chính sách, đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đầu tư cho các hợp tác xã trên lĩnh vực phi nông nghiệp để phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả.
Tập trung ban hành chính sách hỗ trợ các hợp tác xã để sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao mẫu mã ngày càng tốt hơn, không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng trong nước mà còn cả quốc tế; tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã, nhất là tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các hợp tác xã. Cuối cùng là quan tâm chỉ đạo các cấp ủy chính quyền để nâng cao vai trò trách nhiệm của mình, thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của kinh tế hợp tác. Có như vậy, lĩnh vực kinh tế mới có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của đất nước.
Thực hiện tốt phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Đối với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Trương Thanh Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi tiếp thu Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26), sau đó là các Kết luận số 97, 54 Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng Kế hoạch triển khai, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện.
Qua 15 năm triển khai thực hiện, Hội Nông dân các cấp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Nông nghiệp phát triển ổn định, kinh tế nông thôn chuyên dịch đúng hướng; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực.
Thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện. Từ đó góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân đó là: Chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang nâng cao chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, giúp cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, bên cạnh các mặt tích cực vẫn còn các hạn chế, thiếu sót cần sửa đổi, khắc phục. Cụ thể như, công tác tuyên truyền, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn và việc xây dựng nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể của các cấp Hội còn chậm. Áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn nhiều khó khăn do trình độ, năng lực tiếp cận của nông dân; sự tham gia, xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền chặt, chưa gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các bên; việc kết nối, giải quyết đầu ra nông sản cho nông dân gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng một số nơi chưa đồng bộ, ô nhiễm môi trường còn xảy ra ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân…
Để chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, ông Trương Thanh Nhã kiến nghị Trung ương và Chính phủ tiếp tục có thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, phải xác định các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp chung chung, đặc biệt là chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông thôn, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn đều, xét đến đặc thù của từng vùng, miền, địa phương và chính sách tín dụng.
Các ngành chức năng cần tăng cường quản lý về giá cả thị trường, đặc biệt là quản lý chặt chẽ về giá cả các loại thuốc thú y, bảo vệ thực vật, phân bón và tránh hàng giả, kém chất lượng. Cần có các chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ đầu ra cho nông sản và xây dựng các thương hiệu quốc gia về sản phẩm, về nhãn hiệu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có việc xây dựng kết nối cung cầu sàn giao dịch nông sản điện tử…
Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Một trong những nội dung được Trung ương bàn thảo tại Hội nghị lần thứ năm là “Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Ông Nguyễn Việt Cường, cán bộ hưu trí, phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu tán thành chủ trương này. Đối với vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ông Cường cho rằng, để xây dựng cơ sở đảng vững mạnh thì trước khi chọn lựa, xem xét đưa quần chúng vào đối tượng phát triển Đảng phải giúp quần chúng hiểu rõ tôn chỉ, mục đích của Đảng để từ đó tự giác tham gia.
Có như vậy, những quần chúng vào Đảng mới thực sự lo cho dân, phục vụ cho dân; đồng thời phải được giáo dục, học tập, rèn luyện thông qua các trường chính trị ở các tỉnh, thành phố; giáo dục chính trị phải đi kèm với các tình huống đặt ra tại địa phương, giúp cho các cán bộ, đảng viên hiểu và vận dụng giải quyết vào từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, muốn xây dựng tổ chức cơ sở đảng tốt, vững mạnh thì phải xây dựng được từng đảng viên vững mạnh. Muốn như vậy thì lực lượng tiêu biểu (Bí thư, Phó Bí thư) phải gương mẫu không chỉ dựa trên đường lối, nghị quyết mà còn phải bằng hành động cụ thể mới có sức thuyết phục.
Cùng với đó kỷ luật đảng phải nghiêm. Cụ thể là xử lý đúng người, đúng việc, đúng tội, đúng mức; không nể nang, không hạ thấp và cũng không nâng lên quá mức sự việc. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát đảng viên phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh ngay khi có biểu hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Việt Cường cũng chia sẻ thêm, cá nhân ông ủng hộ việc xử lý những cán bộ, đảng viên đã về hưu (những đảng viên có cương vị ở các nhiệm kỳ trước) nhưng có vi phạm trong khi còn đương chức. Đây là bài học cho những người đương nhiệm để biết giữ mình, tránh tham nhũng, tiêu cực./.