Nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nâng lên 6,17%, thay vì 6,1% khoảng 2 tháng trước.
Nâng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế

Mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nâng lên 6,17%, thay vì 6,1% khoảng 2 tháng trước.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 lên 6,17%, thay vì 6,1% do chính NCIF dự báo khoảng 2 tháng trước.

Phải tận dụng được các hiệp định thương mại tự do

Theo dự báo mới nhất của NCIF, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 6,17% và nếu tình hình thuận lợi hơn thì có thể tăng 6,72%, tức tăng nhẹ so với mức tăng trưởng 6,1% và 6,7% do NCIF dự báo vào đầu tháng 11/2020.

“Đây là mức dự báo hết sức thận trọng, nhưng phù hợp với tình hình hiện nay”, PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính ) bình luận. Sự phù hợp ở đây, theo ông Cường, là nếu khoảng 2 tháng trước, mặc dù Covid-19 vẫn hoành hành mỗi ngày một phức tạp ở hầu hết các nước trên thế giới, thì Trung Quốc - thị trường xuất nhập khẩu, đầu tư , du lịch… quan trọng nhất của Việt Nam - đã kiểm soát, khống chế cơ bản được dịch bệnh, kinh tế trong quý IV lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh với tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%, giúp nền kinh tế này đạt mức tăng trưởng 2,3% trong cả năm 2020.

Tuy nhiên, Covid-19 đã quay trở lại, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã tái giãn cách xã hội. Trong dịp Tết Tân Sửu - lần đầu tiên trong nhiều năm, người dân Trung Quốc bị hạn chế đi lại, khiến hoạt động kinh tế của nước này năm 2021 khó có thể phục hồi mạnh mẽ như dự báo ban đầu và việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam.

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó giám đốc NCIF, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,17% (CPI dự báo tăng 3,8%) chỉ có thể thực hiện được khi tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi, Covid-19 dần được khống chế; một số nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, EU, Nhật Bản từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đã tăng trưởng dương trở lại, trong đó nền kinh tế số 1 thế giới phải tăng 3 - 3,5%, kinh tế Trung Quốc tăng 5% và giá dầu phải giữ ở mức như năm 2020 (khoảng 45 USD/thùng). Còn muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn (6,72%), thì điều kiện đặt ra là kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, trong đó, Trung Quốc phải tăng trưởng 6 - 8%.

“Ngay cả tốc độ tăng trưởng 6,17% cũng phải đặt trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng khoảng 7%; đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được duy trì; chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Còn để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,72%, thì điều kiện tiên quyết là hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước phải quay trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021 và khởi sắc. Thêm vào đó, phải tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA (và có thể là cả RCEP nếu kịp), vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng khoảng 8% so với năm 2020”, ông Đức Anh cho biết.

“Vấn đề đặt ra không phải chỉ có năm 2021, mà trong cả giai đoạn 2021-2025, chưa biết khi nào Covid-19 mới bị chặn đứng. Thậm chí, mức độ lo lắng trước dịch bệnh còn tăng lên khi virus corona liên tục biến thể ở nhiều nước trên thế giới”, ông Đức Anh nói thêm.

Thu hút FDI không vì tăng trưởng trước mắt

“Có thể nói, đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Trong khi hầu hết các nền kinh tế đang phải vật lộn để tồn tại và phục hồi, thì vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào cho thấy đại dịch sẽ sớm kết thúc”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNDP vừa tổ chức.

Lấy dẫn chứng từ 2 cuộc khảo sát khoảng 130.000 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện vào tháng 4 và tháng 9/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, có trên 83% số doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực. “Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 không chỉ về kinh tế vĩ mô, mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Covid-19 chỉ là một sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn các động lực tăng trưởng của giai đoạn tới? Những động lực chính và những yếu tố mới trong nước và quốc tế đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của Việt Nam là gì? Các giải pháp nào mà Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chú ý thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế và bứt phá trong thời gian tới?...

Mặc dù chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối diện nếu muốn tăng trưởng 6,17 - 6,72% trong năm 2021, song theo ông Đức Anh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, như thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư công được đẩy mạnh, tiêu dùng nội địa vẫn tiếp tục đà tăng trưởng…

Không bình luận trực tiếp về dự báo kinh tế của NCIF liệu có đạt được hay có thể đạt cao hơn như nhiều định chế tài chính thế giới ( Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…) đưa ra, nhưng theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của ông UNDP tại Việt Nam, muốn tăng trưởng, Việt Nam cần phải đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng, đúng trọng tâm, trọng điểm và phải có hiệu quả.

“Muốn tăng trưởng kinh tế năm 2021 cũng như các năm tiếp theo, Việt Nam phải tập trung thu hút FDI, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI và hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện, lợi thế để làm việc này trước làn sóng dịch chuyển đầu tư kể từ khi nổ ra thương chiến Mỹ - Trung, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, cần tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thay thế nhập khẩu, sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động…, chứ không vì cái lợi tăng trưởng kinh tế trước mắt mà khuyến khích doanh nghiệp FDI sản xuất các mặt hàng tranh chấp với doanh nghiệp nội địa, những hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được, vì điều này vô cùng nguy hiểm cho doanh nghiệp trong nước”, ông Jonathan Pincus khuyến cáo.

“Covid-19 đã chứng minh “sức hấp dẫn” đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng từ Đại lục sang các quốc gia có chi phí thấp hơn. Có thể kỳ vọng, trong điều kiện vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay, FDI sẽ chảy mạnh vào Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc cho khả năng phục hồi kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo”.

Theo Báo Đầu tư
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.