Trước đó, Nga đã điều động khoảng 130.000 quân tập trung ở các khu vực biên giới phía bắc, đông và nam Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Chính phủ Nga không cho biết có bao nhiêu đơn vị được rút đi và rút bao xa. Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy một số xe tăng và các xe bọc thép khác đang được chất lên các toa tàu.
Động thái rút quân của Nga đã thu hút một phản ứng thận trọng từ Ukraine và các đồng minh phương Tây, nhưng đã tạo ra biến động lớn trên thị trường tài chính và dầu mỏ.
Cổ phiếu Nga, trái phiếu chính phủ và đồng rúp, vốn bị ảnh hưởng bởi lo ngại xung đột sắp xảy ra, đã tăng mạnh và trái phiếu chính phủ Ukraine cũng tăng giá. Giá dầu giảm hơn 3% từ mức cao nhất trong 7 năm kể từ đầu tuần này.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho biết vẫn còn quá sớm để chắc chắn căng thẳng đang dần hạ nhiệt.
Chuyên gia Henry Boyd thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho biết: “Người ta nên duy trì bầu không khí hoài nghi thận trọng. Đã có những khác biệt trong quá khứ giữa các thông báo chính thức của Nga và các hành động của nước này trên thực địa".
Điện Kremlin đã tìm cách miêu tả các động thái này như một bằng chứng cho thấy rằng các cuộc cảnh báo của phương Tây về chiến tranh vừa sai lầm vừa mang tính cuồng loạn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Ngày 15/2 năm 2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày tin tức tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại."
Người đứng đầu NATO trong hai ngày qua hoan nghênh các tín hiệu từ Nga rằng nước này có thể đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng vẫn kêu gọi Moscow thể hiện ý chí hành động.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Có những dấu hiệu từ Moscow cho thấy phương án ngoại giao nên được tiếp tục. Điều này tạo cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang nào từ phía Nga".
Ông Stoltenberg cho biết Nga thường bỏ lại các thiết bị quân sự sau các cuộc tập trận, để ngỏ khả năng nhanh chóng tái tập hợp các lực lượng.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chính quyền Kyiv sẽ chỉ tin rằng Nga đang tiến tới hạ nhiệt căng thẳng nếu có thông tin chính thức rằng Nga đang rút quân.
"Chúng tôi sẽ chỉ tin khi thấy Nga rút quân", ông Kuleba khẳng định.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là khu vực độc lập.
Việc các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự tuyên bố độc lập có thể xóa bỏ tiến trình hòa bình theo Hiệp ước Minsk ở miền đông Ukraine, nơi xung đột giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã khiến 15.000 người thiệt mạng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng động thái này sẽ là "sự vi phạm trắng trợn đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine".