Trong bối cảnh Nga điều động quân đội áp sát biên giới Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng hết sức để tập hợp cộng đồng quốc tế phản đối động thái của Moscow. Phía Washington đã tập hợp được các nước châu Âu đứng chung chiến tuyến, sau đôi chút lưỡng lự.
Đức hiện đã cam kết rõ ràng với một cách tiếp cận thống nhất. Ở phía bên kia địa cầu, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hưởng ứng Mỹ. Tại buổi khai mạc Thế vận hội ở Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng tỏ rằng ông có Trung Quốc đứng về phía mình, ít nhất là trong quan điểm chống đối sự bành trướng của NATO. Các quốc gia khác như Brazil và Ấn Độ vẫn chọn cách đứng ngoài quan sát. Nhưng phần lớn các đối tác truyền thống của Mỹ đều đồng thuận với chính quyền Biden.
Tuy nhiên, mọi sự lại không dễ dàng như vậy ở Trung Đông. Các đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn tỏ ra có thiện cảm với Ukraine nhưng không sẵn sàng chống lại Nga. Điều đó phản ánh mức độ thay đổi ở Trung Đông sau quyết định xoay trục của cựu Tổng thống Barack Obama, tiếp tục được Tổng thống Donald Trump thông qua và hiện được Joe Biden thực thi: đặt Trung Đông xuống vị trí thấp hơn trong danh sách các ưu tiên chính sách đối ngoại của Washington. Mỹ đã khiến các đối tác Trung Đông mất lòng tin vào khả năng bảo trợ và nước này sẽ phải điều chỉnh chính sách đối ngoại nếu muốn khắc phục vấn đề.
Sự im lặng của Israel
Để có cái nhìn rõ nét nhất về sự thay đổi tại Trung Đông, chỉ cần nhìn vào đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực này, đó là Israel. Vào giữa tháng 1, Mỹ và Israel đã tổ chức một vòng tham vấn chiến lược. Cả hai tập trung vào tham vọng hạt nhân của Iran, khi Washington và các đồng minh châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận năm 2015 mà cựu Tổng thống Donald Trump từng bỏ ngang.
Tuy nhiên, vào thời điểm mà chính quyền Biden đang tập trung toàn bộ tâm trí vào việc gỡ ngòi nổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, diễn biến vòng tham vấn Mỹ-Israel không đề cập đến vấn đề Ukraine.
Đáng chú ý, kể từ khi Nga tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Ukraine, Israel không hề lên tiếng phản đối, ngoại trừ lời đề nghị của Thủ tướng Naftali Bennett về việc làm trung gian giữa Ukraine và Nga - một ý tưởng đã bị phía Moscow bác bỏ.
Gần đây hơn, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid công khai không đồng tình với đánh giá của chính quyền Biden rằng Nga sẽ tấn công Ukraine. Trong cuộc thảo luận đầu tháng này, hai nhà lãnh đạo Biden và Bennett đã thảo luận về Ukraine. Sau cuộc hội đàm, Nhà Trắng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh của Israel, nhưng không đề cập đến an ninh của Ukraine.
Israel duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Ukraine, đặc biệt là với cộng đồng Do Thái với khoảng 300.000 người tại quốc gia Đông Âu và là một trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất trên thế giới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng là người Do Thái. Mối quan hệ đó lẽ ra phải được củng cố bởi cam kết của Israel đối với quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ, sự phụ thuộc của nước này vào việc duy trì trật tự quốc tế tự do mà Israel đã xác định kể từ khi thành lập, niềm tự hào là nền dân chủ duy nhất ở Trung Đông, và mối quan tâm của nước này với việc đảm bảo các biên giới của mình khỏi sự xâm lược của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, các chuyên gia Israel cũng lập luận rằng giữa Mỹ và Israel có quan điểm khác biệt khi đề cập đến các nhu cầu an ninh của Israel hiện nay và cho rằng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Israel nên giữ thái độ trung lập.
Các cường quốc dầu mỏ quay lưng
Kuwait từ lâu đã giống một nước phụ thuộc vào Mỹ hơn là một đồng minh thân cận. Sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, Kuwait vẫn ủng hộ các ưu tiên của Mỹ ở Trung Đông và các nơi khác. Trong tất cả các quốc gia Trung Đông, Kuwait nên là nước đặc biệt nhạy cảm với những nguy cơ cộng đồng quốc tế đứng nhìn một nước lớn xâm lược nước láng giềng nhỏ hơn.
Tuy nhiên, khi Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Ahmed Nasser al-Mohammed al-Sabah đến Washington vào giữa tháng 1 để đối thoại chiến lược với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, nhà ngoại giao Kuwait đã cố tình tránh vấn đề Nga-Ukraine.
Giống như thông tin về cuộc họp giữa Mỹ và Israel, cuộc họp giữa Mỹ và Kuwait không đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong một cuộc họp báo, ông Blinken nhắc nhở đối phương rằng nguyên tắc đang bị đe dọa ở Ukraine là “một quốc gia không thể đơn giản thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực.” Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kuwait đã tránh thừa nhận quan điểm này trong câu trả lời của mình.
Các đồng minh và đối tác chiến lược khác của Mỹ ở Trung Đông cũng khá im ắng. Ai Cập là đồng minh chiến lược lâu đời của Mỹ và là người hưởng lợi từ sự lớn mạnh của Mỹ, nhưng nước này cũng mua vũ khí từ Nga và cần sự hợp tác của Moscow để duy trì sự ổn định ở nước láng giềng Libya.
Ai Cập không quan tâm đến quan điểm của Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine, đặc biệt là vào thời điểm khi chính quyền Biden vừa quyết định tiếp tục đình chỉ viện trợ 130 triệu USD cho chính quyền Tổng thống Abdel Fateh al-Sisi, mà theo Washington là có những quan điểm tương đồng với chính phủ Nga.
Arab Saudi cũng có quan hệ sâu sắc với Mỹ và trước đây là một đồng minh kiên định trong nỗ lực kiềm chế sức ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Quốc gia này thường sử dụng khả năng của mình để tăng sản lượng dầu, nhằm giảm giá thị trường bất cứ khi nào Mỹ cần.
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Arab Saudi chưa cho thấy động thái ủng hộ Mỹ. Sự phục hồi nhanh chóng của của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 và kỳ vọng về sự gián đoạn nguồn cung do cuộc khủng hoảng Ukraine tạo ra đã khiến giá dầu lên trên 90 USD/thùng.
Nếu Nga xâm lược Ukraine, giá dầu dự kiến sẽ tăng vọt lên mức 120 USD. Đó sẽ là tin xấu đối với những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn lạm phát trong nước trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Arab Saudi dường như không chấp nhận những lời kêu gọi từ đồng minh bên kia bán cầu.
Một lý do giải thích cho điều này là Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cảm thấy bực tức trước cách chính quyền Biden đối xử với mình. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2020, ông Biden đã gọi chính phủ Arab Saudi là “một kẻ hạ đẳng” và sau cuộc bầu cử của mình, ông tỏ ra lạnh nhạt với Thái tử Mohammed bin Salman như hình phạt sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi.
Mặc dù Biden tránh trừng phạt Mohammed bin Salman, ông từ chối giao tiếp với vị Thái tử và giao nhiệm vụ đó cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Sau một năm, ông bin Salman đã có hành động đáp trả. Tháng 9 năm ngoái, ông đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Lloyd Austin tới Arab Saudi và theo một số nguồn tin, ông vẫn đang chờ một cuộc gọi từ Tổng thống Joe Biden trước khi đứng về phía Mỹ trong vấn đề Nga-Ukraine.
Biden có thể mở lời với lãnh đạo Arab Saudi, nhưng không có nghĩa Thái tử Mohammed bin Salman sẽ có phản hồi tích cực bởi Nga hiện đóng vai trò quan trọng trong tính toán của Thái tử Arab Saudi.
Nga hiện có lượng dầu xuất khẩu tương đương nhau với Arab Saudi và gần đây đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trong OPEC +, tổ chức các nước sản xuất dầu kiểm soát giá bằng cách đặt ra hạn ngạch sản xuất cho tất cả các thành viên. Arab Saudi từng thống trị OPEC, nhưng khi đại dịch COVID-19 bùng phát và nhu cầu của thị trường dầu sụt giảm nghiêm trọng, nước này đã tham gia vào cuộc chiến cắt giảm giá với Nga khiến giá dầu xuống gần như bằng không.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã can thiệp và làm môi giới cho một thỏa thuận giữa Nga và Arab Saudi, trong đó cắt giảm mạnh sản lượng dầu của OPEC và biến Moscow trở thành đối tác của Riyadh trong việc ấn định giá dầu. Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Biden lúc này sẽ buộc Thái tử bin Salman phá bỏ thỏa thuận của ông với Nga, cũng như từ bỏ lợi nhuận thu được từ việc tăng giá mà ông cần để thúc đẩy các dự án hiện đại hóa đầy tham vọng của mình.
Nếu như trước đây, Arab Saudi sẽ không do dự trước lời kêu gọi của Mỹ, bởi nước này từng rất cần sự bảo hộ của chính quyền Washington tại Trung Đông.
Nhưng hiệp ước đó đã tan vỡ vào tháng 9 năm 2019, khi các cơ sở khai thác dầu của Arab Saudi tại Abqaiq bị tấn công bởi máy bay không người lái và tên lửa của Iran, làm mất đi 50% sản lượng dầu của nước này. Thay vì lao vào bảo vệ đồng minh, chính quyền Trump đã ngụy biện và sau đó cho rằng đó là một cuộc tấn công nhằm vào Arab Saudi chứ không phải nước Mỹ và rằng Arab Saudi sẽ phải chi tiền nếu muốn Mỹ đáp trả hộ.
Sự coi thường của Trump đối với các cam kết an ninh truyền thống của Mỹ đã làm gia tăng những nghi ngờ tại Riyadh sau quyết định của cựu Tổng thống Obama vào năm 2013, khi không thực thi ranh giới đỏ đã tuyên bố của mình đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Tổng thống Biden vẫn tiếp tục xu hướng này sau khi lên cầm quyền, bỏ qua ưu tiên Trung Đông và chỉ coi việc chống lại Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của mình. Khi Biden chấm dứt “cuộc chiến trường kỳ” ở Afghanistan, các nhà lãnh đạo Trung Đông đã đi đến một kết luận chung: Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy trong an ninh của khu vực.
Bởi vì xu hướng rút lui của Mỹ khỏi Trung Đông đã phát triển trong thập kỷ qua và các nhà lãnh đạo của khu vực luôn nhạy cảm với những thay đổi trong cán cân quyền lực, họ muốn tìm kiếm những người bảo hộ mới.
Nga nhanh chóng ra tay, can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria năm 2015 để giúp đỡ chính quyền Bashar al-Assad. Vào thời điểm đó, Mỹ đang muốn thay đổi chính quyền ở Ai Cập, Libya và Syria. Sự tương phản đã khiến các nhà lãnh đạo của thế giới Ả Rập nhận ra rằng Nga đang trở thành một cường quốc duy trì hiện trạng ở Trung Đông còn Mỹ dường như đang thúc đẩy sự bất ổn định.
Tuy nhiên, điều này không dẫn đến việc Trung Đông sẽ lao vào vòng tay của Moscow. Những ấn tượng về Liên Xô trong quá khứ và kỳ vọng về một tổng thống mới ở Washington có thể xoay chuyển tình thế khiến giới lãnh đạo Trung Đông tỏ ra thận trọng. Nhưng theo thời gian, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã trở nên thoải mái trong việc "làm ấm" quan hệ với Nga.
Ưu tiên lợi ích hơn giá trị
Đối với người Israel, tính toán không khác biệt lắm, mặc dù họ phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Mối đe dọa hiện hữu của quốc gia Do Thái này là Iran. Tại 3 trong 4 khu vực biên giới của Israel, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đang tập hợp sức mạnh: Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon và lực lượng dân quân do Iran kiểm soát ở Syria.
Israel đang chiến đấu với cái mà họ gọi là "cuộc chiến giữa các cuộc chiến tranh" để ngăn chặn việc chuyển giao tên lửa và hệ thống dẫn đường tiên tiến của Iran cho Hezbollah ở Lebanon qua ngả Syria, đồng thời ngăn cản các nỗ lực của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nhằm mở thêm một mặt trận khác với Israel, trên Cao nguyên Golan.
Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria khiến nước này đóng vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột này so với Mỹ, quốc gia duy trì một lực lượng hạn chế ở miền đông Syria, để chống lại tổ chức khủng bố IS.
Cách duy nhất mà Israel có thể tiếp tục các cuộc tấn công trên không thường xuyên vào các mục tiêu của Iran ở Syria là nếu không quân Nga chấp nhận việc Israel sử dụng không phận Syria. Vì lý do đó, cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có 10 chuyến thăm tới Nga từ năm 2015 đến năm 2020 để thuyết phục cái gật đầu từ Tổng thống Nga Vladimir Putin và đảm bảo rằng các hoạt động không quân của Nga và Israel ở Syria không cản trở nhau. Tương tự, khi Thủ tướng Bennett lên cầm quyền vào năm ngoái, ông đã không lãng phí thời gian để khẳng định lại những thỏa thuận đó trong chuyến thăm Điện Kremlin vào tháng 10 năm 2021.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng các máy bay phản lực của Nga và Syria đã tiến hành một cuộc tuần tra chung trên Cao nguyên Golan và những cuộc tuần tra này sẽ tiếp tục. Đây là một lời cảnh báo mang tính biểu tượng đối với Israel, báo hiệu cho Jerusalem rằng nếu Putin muốn, ông có thể dễ dàng chấm dứt các hoạt động quân sự của Israel ở Syria. Nếu Israel đang nghĩ đến việc đứng về phía Mỹ trong vấn đề Ukraine, thì phía Moscow sẽ đáp trả xứng đáng.
Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Trung Đông không thực sự quan trọng đối với nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Họ thậm chí có thể sẵn sàng giúp đỡ: Qatar có thể chuyển nguồn cung cấp khí đốt từ các hợp đồng dài hạn ở châu Á sang thị trường giao ngay ở châu Âu, Arab Saudi và UAE có thể giảm bớt áp lực lên giá dầu trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến và Israel có thể tiếp tục chuyển các thông điệp riêng đến Điện Kremlin, thúc giục giảm leo thang căng thẳng.
Nhưng sự im lặng công khai của tất cả các quốc gia trong cuộc khủng hoảng này nói lên nhiều điều về tình hình địa chính trị mới của Trung Đông. Nga đã trở thành một người chơi lớn trong khu vực, lấp đầy một phần khoảng trống mà Mỹ để hổng.
Và đối với một số đồng minh của Mỹ, Moscow có vẻ đáng tin cậy hơn Washington. Không thể giải quyết được sự thay đổi cơ bản này với thực tế là một Trung Quốc đang trỗi dậy và một nước Nga hiếu chiến đòi hỏi sự chú ý lớn hơn của Mỹ. Thay vì yêu cầu các đối tác Trung Đông và đồng minh của mình phải có quan điểm công khai, Biden sẽ phải cho các đồng minh thấy sự thông cảm của mình.
Và điều này vượt ra ngoài những tuyên bố và lên án về Ukraine. Chính quyền Washington có thể phải làm lành với Arab Saudi nếu Tổng thống Biden cần Thái tử bin Salman giảm giá dầu.
Áp lực của Mỹ đối với Arab Saudi và UAE nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Yemen có thể phải nhường chỗ cho những nỗ lực ngăn chặn lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Mỹ có thể phải tiếp tục để Israel rảnh tay đối phó với các cuộc lật đổ của Iran trong khu vực ngay cả khi Biden ký lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và việc hợp tác với Ai Cập ở Gaza và Libya có thể phải được ưu tiên trước những yêu cầu của Mỹ về việc chính quyền Tổng thống Sisi phải giảm bớt mức độ hà khắc trong nước.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm nổi bật một nghịch lý tàn khốc đối với chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Mặc dù nước này đã hạ thấp lợi ích của mình trong khu vực, điều đáng lẽ phải cho phép khẳng định nhiều hơn các giá trị của Mỹ, sự thay đổi của bàn cờ chính trị đang buộc chính quyền Biden phải áp dụng một chủ nghĩa hiện thực mới. Dù Mỹ có mục đích nào tại Trung Đông, thì lợi ích của nước Mỹ đang ngày càng được ưu tiên hơn các giá trị truyền thống.