Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau vụ vỡ đập Kakhovka

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việc con đập Kakhovka bị vỡ có thể đe dọa tới 42.000 thường dân sinh sống tại các vùng lãnh thổ do Nga và Ukraine kiểm soát dọc theo sông Dnipro.
Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau vụ vỡ đập Kakhovka

Cả Ukraine và Nga đều đổ lỗi cho nhau về sự cố vỡ đập Kakhovka hôm thứ Ba, khiến nước lũ tràn qua một vùng chiến sự và buộc hàng ngàn người phải sơ tán.

Ukraine cho biết Nga đã phạm tội ác chiến tranh có chủ ý khi làm nổ tung đập Nova Kakhovka được xây dựng từ thời Liên Xô, vốn cung cấp năng lượng cho một nhà máy thủy điện gần đó.

Điện Kremlin lại cho rằng chính phủ Ukraine đang lợi dụng vụ vỡ đập nhằm cố đánh lạc hướng dư luận khỏi việc phát động một cuộc phản công lớn mà Moscow cho là đang chùn bước.

Giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths báo cáo trước Hội đồng Bảo an rằng vụ vỡ đập "sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sâu rộng đối với hàng nghìn người ở miền Nam Ukraine ở cả hai bên chiến tuyến do mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế".

Ít nhất 150 tấn dầu từ con đập đã rò rỉ vào sông Dnipro, Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets nói trong một cuộc họp báo, ước tính thiệt hại về môi trường có thể lên tới 50 triệu euro.

Các quan chức Ukraine ước tính khoảng 42.000 người có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào thứ Tư.

Tại thành phố Kherson, cách đập khoảng 60 km về phía hạ lưu, mực nước dâng cao 3,5 m hôm thứ Ba, buộc người dân phải lội nước ngập đến đầu gối để sơ tán.

"Mọi thứ chìm trong nước, tất cả đồ đạc, thức ăn, mọi thứ đều trôi mất. Tôi không biết phải làm gì", bà Oskana, 53 tuổi, cho biết.

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau vụ vỡ đập Kakhovka ảnh 1

Nước lũ đã tràn vào nhiều nơi tại thành phố Kherson. Ảnh: Reuters

Xe buýt, xe lửa và các phương tiện cá nhân đã được điều động để chở người dân đến nơi an toàn trong khoảng 80 khu dân cư có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa.

Cư dân ở thành phố Nova Kakhovka ven sông Dnipro do Nga kiểm soát cho biết một số người vẫn bám trụ trong nhà dù nhận được lệnh sơ tán.

Chính phủ Mỹ cho biết không rõ nước nào phải chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập, nhưng Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood nói với các phóng viên rằng việc Ukraine phá hủy con đập và gây hại cho chính người dân của họ là hoàn toàn vô nghĩa.

Công ước Geneva cấm nhắm mục tiêu vào các đập trong chiến tranh do gây nguy hiểm cho thường dân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết các công tố viên của ông đã tiếp cận Tòa án Hình sự Quốc tế sau vụ vỡ đập. Trước đó, ông tuyên bố trên Telegram rằng các lực lượng Nga đã cho nổ nhà máy điện từ bên trong.

Con đập Kakhovka cung cấp nước cho một vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở miền Nam Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, cũng như cung cấp nước làm mát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.

Trong bối cảnh quân đội Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu, một số nhà phân tích quân sự cho biết các vụ lũ lụt sẽ giúp Nga có thêm lợi thế về thời gian nhằm cản bước tiến của quân đội Ukraine.

“Hãy nhớ rằng Nga đang ở thế phòng thủ chiến lược và Ukraine đang ở thế tấn công chiến lược. Trong ngắn hạn, đây chắc chắn là một lợi thế cho Nga”, Ben Barry, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định. “Lũ lụt sẽ giúp ích cho người Nga cho đến khi nước rút vì nó khiến Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc tấn công các điểm vượt sông”.

Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại Quỹ Stratpoints và cựu phó giám đốc cơ quan phản gián của quân đội Ba Lan, cho biết nước lũ sẽ ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng.

"Điều này tạo ra một vị thế phòng thủ rất tốt cho người Nga, vốn đang chuẩn bị cho đợt phản công của Ukraine", ông Matysiak nói.

Theo Reuters
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.