Mặc dù là một trong những loại cây trồng trong nhà phổ biến nhất ở Mỹ, nhưng phong lữ thực chất không phải loài bản địa. Loại cây này thuộc họ pelargonium, được du nhập từ Nam Phi vào châu Âu ở thế kỷ 17. Các giống lai của nó, dưới tên gọi phong lữ, đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ vào thế kỷ 19.
Với vẻ đẹp nổi bật, phong lữ thường được trồng theo luống hoa trong vườn, trồng dày đặc trên mặt đất hoặc trong chậu. Chúng mang đến những bông hoa rực rỡ suốt mùa hè và có thể được trồng trong nhà vào mùa đông. Sự phổ biến của phong lữ đã truyền cảm hứng cho Tiffany Studios tạo ra một mẫu chân đèn bằng đồng độc đáo có hình dạng một chậu cây phong lữ.
Theo phong cách của các loài lai khác nhau, hoa phong lữ thường có màu đỏ sẫm, hồng hoặc trắng. Lá cây được làm bằng kính màu xanh lá cây có đốm hoặc gân không đều, tạo nên nhiều sắc thái khác nhau. Mặc dù có vô số loài phong lữ với những kết hợp màu sắc độc đáo và hoa văn lá đặc biệt, mẫu đèn này lại mang vẻ đẹp truyền thống.
Lá cây được làm bằng kính màu xanh lá cây có đốm hoặc gân không đều. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany |
Chao đèn có cấu tạo tương tự như chao đèn hoa anh thảo, nhưng mật độ hoa và lá không quá dày đặc. Các lá cây tạo thành đường viền phía dưới, khu vực trung tâm thoáng hơn và viền trên được trang trí bởi một vòng hoa. Ba đường ngang ở phía dưới với những chiếc lá đan xen phá vỡ sự liền mạch của hàng giữa.
Chân đèn với phần thân phình rộng. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany |
Chân đèn được thiết kế theo mô hình ban đầu dành cho đèn dầu, với phần bình rộng để chứa nhiên liệu. Các bộ phận này thường được chế tạo bằng phương pháp quay thay vì đúc, mặc dù phần còn lại của đế được đúc bằng đồng. Những mảng nhỏ màu xanh lá cây óng ánh trên đế được thiết kế theo mô hình lá cây khá đơn giản. Giống như Cyclamen và nhiều mẫu khác, mẫu chân đèn phong lữ có thời gian sản xuất tương đối ngắn, được giới thiệu trước năm 1906 và ngừng sản xuất trước năm 1910.