Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của 28 ngân hàng thương mại (ngoại trừ Agribank) cho thấy, hầu hết nợ xấu đều tăng so với đầu năm. Xét về con số tuyệt đối, những ngân hàng có nợ xấu dẫn đầu ngành bao gồm: VPBank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SHB, Sacombank, MB Bank, VIB, LPBank.
VPBank có số dư nợ xấu lên đến 29.934 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với đầu năm. Xét về tỷ lệ, nợ xấu của VPBank đang chiếm 5,74%, tăng 0,01% so với đầu năm. Tiếp đến "big4" với BIDV với 26.394 tỷ đồng, tăng gần 50%; VietinBank 18.941 tỷ đồng, tăng 19,9%; Vietcombank 14.393 tỷ đồng, tăng 84%.
Đứng thứ sáu là Ngân hàng SHB khi nợ xấu cũng tăng hơn 24%, lên 13.484 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà băng có số dư nợ xấu lớn khác còn phải kể đến Sacombank (10.388 tỷ đồng); MB Bank (10.111 tỷ đồng ); VIB (9.040 tỷ đồng); LPBank (7.367 tỷ đồng)…
Xét về tốc độ tăng trưởng, TPBank lại là ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu cao nhất toàn ngành, với mức tăng gần 3 lần (294%) so với đầu năm, lên 5.350 tỷ đồng. Tiếp đến là Sacombank (tăng 142%); LPBank (tăng 115%); Techcombank (tăng 113%); MB (tăng 101%) và MSB (100%)…
Theo ghi nhận, nợ xấu của toàn ngành đã tăng quý thứ tư liên tiếp kể từ khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực, tăng lên mức 2,2% (+6,9% so với quý liền kề trước đó), lên 196.755 tỷ đồng. Ngoài ra, một diễn biến kém tích cực khác là bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau thu hẹp.
Theo thống kê, chỉ có duy nhất 1 nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm là BaoViet Bank, song mức tăng chỉ 0,8% lên 30%. Điều này có nghĩa 100 đồng nợ xấu, Ngân hàng mới trích lập dự phòng được 30 đồng.
Ở nhiều ngân hàng lớn khác, dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, song lại có xu hướng giảm. Đến cuối quý III năm nay, chỉ còn 5 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100% là Vietcombank (207%, giảm 47% so với đầu năm), VietinBank (172,4%, giảm gần 16% so với đầu năm), BIDV (158,4%, giảm 58,5%), Bac A Bank (144,2%, giảm gần 60%)và MB (122%, giảm gần 120%). Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, có đến 10 ngân hàng vượt qua ngưỡng 100%.
Dù trích lập dự phòng tăng, song tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng lại sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, theo các chuyên gia là do việc trích lập không thể theo kịp đà tăng của nợ xấu.
Dù vậy, điểm tích cực về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý III được cải thiện, thể hiện ở dư nợ nhóm 2 ghi nhận giảm 7,7% so với quý trước, trong khi các quý trước tăng liên tục. Điều này cho thấy nợ xấu mới hình thành đang có xu hướng chậm lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu thông qua bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường đang rất khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm bằng bất động sản phải rao bán hàng chục lần vẫn không thể bán được.
Đơn cử như tại VietinBank, ngân hàng này đã rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà từ năm 2019 nhưng không bán được. Trong lần phát mại mới nhất, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này (chủ yếu là bất động sản) được VietinBank đưa ra giá khởi điểm chỉ 142 tỷ đồng, tức là chưa bằng 10% khoản nợ phải thu của khách hàng này (gần 1.500 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi).
Tại VPBank, dư nợ cho vay tín chấp lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng rất khó thu hồi nợ vì đang phải “cầm dao đằng lưỡi”.
Việc thu hồi nợ ngày càng khó khăn được lãnh đạo VPBank minh họa bằng con số hơn 3.000 cán bộ thu hồi nợ tại nhà băng này phải nghỉ việc kể từ đầu năm, trong khi tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên. Đáng lo nhất là tình trạng bùng nợ chưa được xử lý, cả với bùng nợ cá nhân và doanh nghiệp.
Trong khi nợ xấu tăng lên, thì một trong những nỗi lo lớn của các ngân hàng là tới đây Thông tư 02 về cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực, khiến nhiều khoản nợ xấu đang “ẩn mình” trong các khoản nợ cơ cấu sẽ hiện nguyên hình.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Số nợ này sẽ có nguy cơ trở thành nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
Không chỉ vậy, hành lang pháp lý đối với xử lý nợ xấu sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống. Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang năm mới được trình Quốc hội thông qua.
Nếu những khó khăn về xử lý nợ xấu không được giải quyết, có thể dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng “chùn chân” khi cho vay, thay vào đó tập trung vào quản trị rủi ro. Thực tế, từ đầu năm đến nay, khi “sức khỏe” doanh nghiệp gặp khó, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tín dụng tăng trưởng ở mức rất thấp, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Do đó, nhiều ngân hàng bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu để hỗ trợ nhà băng trong xử lý nợ xấu.