Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do áp thấp nhiệt đới vào hồi 20h ngày 09/10 tại khu vực ga Lâm Giang, tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Cụ thể, đất từ trên núi cao sụt trượt tràn qua đường bộ xuống đường sắt, lấp kín cả 3 đường ga đoạn từ Km209+960 đến Km210+060. Khối đất cao khoảng 12m, rộng khoảng 45m.
Các cơ quan chức năng huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả sự cố. Ảnh: Lao Động |
Vụ sạt lở đã khiến 3 đường ga bị biến dạng, đường ga số 3 bị dịch chuyển ngang khoảng 3m (tại vị trí sát khối sụt) trên phạm vi 130m. Đất sụt làm đổ và vùi lấp một số toa xe hàng đang dừng trên đường ga số 1. Khối lượng đất đá sụt dự tính khoảng 70.000m3.
Bên cạnh đó, phần đất nền sát sông Hồng của đường ga số 3 bị sụt một phần xuống sông, hiện tại chưa xác định cụ thể do vẫn nằm trong phạm vi khối đất sụt, báo Lao Động đưa tin.
Chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT trực tiếp tới hiện trường sạt lở đất đá khiến tuyến đường tỉnh 164 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua huyện Văn Yên (Yên Bái) bị tê liệt, giao thông ách tắc.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại hiện trường. Ảnh: VOV |
Tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao nỗ lực khắc phục sự cố của Sở GTVT Yên Bái và ngành đường sắt sau khi sự cố xảy ra. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị tư vấn đường sắt chịu trách nhiệm chính phối hợp cùng tư vấn của sở GTVT Yên Bái nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ xử lý bước 1 và gửi về Bộ trong thời gian sớm nhất để có phương án chuẩn bị kinh phí hỗ trợ khắc phục.
"Bộ phận tư vấn cần khẩn trương đưa máy lên phía trên quả đồi để kiểm tra vết sụt trượt, cắt cơ và hạ tải đất trên đồi. Khi cắt cơ vào sát trong quả đồi có thể dùng rọ thép để tạo tường đá vững chắc nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 tuyến đường bộ và đường sắt tại đây. Ngành đường sắt và Sở GTVT Yên Bái cần huy động thêm phương tiện, đặc biệt là máy ủi để khẩn trương thi công vị trí sạt sụt. Khi thi công xong phải chú trọng thông tuyến đường bộ sau đó, khắc phục tuyến đường sắt", ông Thọ chỉ đạo.
Trong thời gian thực hiện việc cứu chữa, Tổng công ty ĐSVN cũng tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn lao động như: cử người cảnh giới cho người và phương tiện tại các điểm thi công; đảm bảo đủ ánh sáng để thực hiện cứu chữa vào ban đêm. Đặc biệt, theo khuyến cáo của cơ quan quân sự địa phương, tại khu vực này vẫn còn bom sót lại từ thời chiến tranh, vì vậy, việc thực hiện cứu chữa phải cẩn trọng để đảm bảo an toàn.
Về công tác tổ chức chạy tàu trên tuyến trong khi chờ cứu chữa, thông đường, dự kiến các ngày từ 10-12/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ tổ chức chạy một đôi tàu SP3/4 và chuyển tải hành khách từ ga Bảo Hà đến ga Mậu A và ngược lại bằng ô tô với lịch trình như sau: Tàu SP3 xuất phát tại Hà Nội lúc 22h, dự kiến đến Lào Cai lúc 7h; Tàu SP4 xuất phát Lào Cai lúc 23h, dự kiến đến ga Gia Lâm lúc 8h15 và kết thúc hành trình tại ga Long Biên lúc 8h30.
Hành khách có vé đi tàu SP1/2 được ngành đường sắt bố trí đi tàu SP3/4. Hành khách có vé đi tàu SP1/2, SP3/4 trong các ngày từ ngày 10 đến ngày 12/10 có nhu cầu trả lại vé, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ hoàn trả 100% tiền vé, theo báo VOV.
Tổng hợp