Đúng ngày Rằm tháng Giêng (2.3), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 chính thức khai mạc. Hàng nghìn nhà thơ, nhà văn chuyên và không chuyên cùng bạn yêu thơ đã có mặt tại Văn Miếu Quốc tử giám từ sớm để tham dự Ngày thơ Việt Nam 2018.
Với chủ đề Văn học đồng hành cùng đất nước, Ngày Thơ Việt Nam 2018 được bắt đầu với hội thảo Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay và cuộc hội thảo về tiểu thuyết với chủ đề "Đổi mới tư duy tiểu thuyết", nhằm hưởng ứng cuộc thi tiểu thuyết 2017 - 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam diễn ra cùng lúc 2 hội thảo quan trọng. Tiếp đó là các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ trong khuôn khổ hoạt động Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16.
Ngoài hai sân thơ chính của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, còn có sự tham gia của hơn 60 câu lạc bộ thơ trên khắp cả nước với nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ... Trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức cũng triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "16 năm qua, những nhà thơ và công chúng yêu thơ đã được làm một việc chưa từng có là đưa thú thưởng ngoạn thơ ca tao nhã trở thành cuộc giao tiếp rộng lớn, tạo nên sự cộng hưởng đẹp đẽ giữa nhà thơ và bạn đọc. Ở đó, nhà thơ đã tìm thấy bạn đọc của mình và bạn đọc cùng tham gia vào đời sống thơ ca bằng tình yêu và kinh nghiệm sống của họ. Việc một quốc gia, hàng năm dành một ngày để tôn vinh các gía trị thơ ca như Việt Nam cũng là việc hiếm trên thế giới".
Năm nay, lần đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức hai sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Đồng thời sẽ có các nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở hai sân thơ này.
Nói về sân thơ trẻ, Nhà thơ Trần Hữu Việt cho biết: "Tôi đã được tham gia tổ chức hơn 10 sân thơ trẻ và theo quan sát của tôi, những nhà thơ trẻ năm xưa giờ đã trở thành những tác giả chững chạc trên văn đàn và họ hướng tới mục tiêu thơ không chỉ thỏa mãn công chúng trong nước mà hướng tới yêu cầu hội nhập. Họ đã trở thành những nhà thơ được văn đàn thế giới biết tới như: nhà thơ Bảo Chân, Nguyễn Phan Quế Mai... Họ đã trở thành những diễn giả và tham gia nhiều festival thơ quốc tế, đấy là tín hiệu mừng cho thơ trẻ.
Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng thơ tinh hoa dành cho các nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng một mảng quan trọng nữa đó là thơ quần chúng. Công chúng yêu thơ chính là điều kiện chuẩn bị cho những nhà thơ xuất hiện. Việc tổ chức sân thơ chính, sân thơ trẻ tạo điều kiện cho mọi người đến giao lưu, học hỏi, truyền cảm hứng cho nhau và chia sẻ, động viên nhau. Nhiều nhà thơ cho rằng sân thơ là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời sáng tác của họ. Chính vì vậy tôi cho rằng tác dụng của sân thơ trẻ không chỉ có dấu ấn trong Ngày thơ Việt Nam mà nó kéo dài trong một năm và có thể là một đời sáng tác".
Cùng với các hoạt động tại 2 sân khấu của Ngày thơ Việt Nam, còn có 10 “ki - ốt thơ” tại sân Văn Miếu với chủ đề thơ lục bát, thơ Facebook, thư pháp... khu vực dành cho thơ thiếu nhi với sự tham gia tổ chức của CLB Đọc sách cùng con và Ban Văn học thiếu nhi được đầu tư như một điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam.
Tiến sĩ, Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho biết: Tôi tham gia Ngày thơ Việt Nam từ năm 2009 và từ đó tới nay thì gắn bó với ngày thơ. Cảm giác ngày đầu tiên đến với ngày thơ là một sự tươi mới và hạnh phúc khi được biết đến các nhà thơ mà mình yêu thích. Ngoài ra, mình cũng có dịp chia sẻ cảm xúc trong đời sống sinh hoạt thơ ca, đặc biệt là tham gia sân thơ trẻ. Những năm 2009 - 2010 sân thơ trẻ có vẻ mạnh hơn, sự quan tâm và chuyển bị sâu sắc hơn. Tuy nhiên, những năm sau có bị lùi lại một chút, ví dụ năm 2017, không có sân thơ trẻ.
Năm nay, sự kết hợp giữa Ban văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và Ban văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội thì tôi thấy đó là điều mới và đầy sáng tạo, bởi những đóng góp của các nhà thơ, nhà văn trẻ Hà Nội để lại nhiều dấu ấn. Chính vì thế, sân thơ trẻ năm nay sôi động hơn. Với tôi Ngày thơ như một ngày hội, xong tôi có suy nghĩ đến sân thơ thiếu nhi nhiều hơn. Mặc dù sân thơ trẻ rất tuyệt vời, nhưng mọi điều phải bắt đầu từ thiếu nhi, nếu chúng ta không quan tâm đến thơ ca thiếu nhi và cách làm vì trẻ thơ thì đến một lúc nào đó nếu chúng ta không chuẩn bị một lớp độc giả để đến được với thơ ca. Rất cần sự khích lệ, động viên, đặc biệt là các bậc phụ huynh để trong thế giới trẻ thơ thấm đẫm văn hóa và vẻ đẹp của ngôn từ Việt".
Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 27/2 đến 2/3. Lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam có không gian dành cho thơ Facebook. Quán thư pháp cũng lần đầu tiên xuất hiện trong Ngày thơ Việt Nam. Bên cạnh các nhà thư pháp chuyên nghiệp là sự góp mặt của những nhà văn, nhà thơ yêu thư pháp như nhà thơ Anh Anh và nhà thơ Y Phương tham gia viết thư pháp.
Nhân Ngày thơ Việt Nam, nhóm tác giả đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản cũng đã gặp gỡ, giao lưu với khán giả Việt Nam ở cả hai sân thơ. Đồng thời nhiều đoàn khách quốc tế cũng có mặt tham dự Ngày thơ Việt Nam.
Theo Dân Việt