Ngày 22/8, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, mực nước trên sông Cả tại Dừa xuống mức 22.0m, dưới báo động II 0.5m; Tại Đô Lương xuống mức 15.60m, dưới báo động II: 0.90m; Tại Nam Đàn xuống mức 6.40m, dưới báo động II 0.50m.
Hiện nay, trong khi người dân và cơ quan chức năng tại các huyện miền núi Nghệ An đang khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ thì tại các huyện hạ du như Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên lại đang đứng trước nguy cơ lũ lớn giữa thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trung bình từ 28 – 30 độ C.
Trung tâm chợ Đàng của xã Thanh Xuân ngập trong biển nước. (Ảnh: Dân trí) |
Theo ghi nhận của PV báo Dân Trí tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An), nước lũ đang dâng cao khiến nhà cửa của người dân bị ngập, hàng chục hộ dân phải di dời đến vùng an toàn.
Xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương là vùng bán sơn địa, một nửa diện tích của xã là vùng chiêm trũng, lại gần với sông Lam nên địa phương này thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt. Cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Tình hình mưa lũ tại tỉnh Nghệ An đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang đứng trước nguy cơ bị lũ lớn. (Ảnh: Nguyễn Duy) |
Chia sẻ trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương cho biết, mưa lũ trong hai ngày 20 và 21/8 đã khiến 10/17 xóm bị cô lập, 53 nhà dân và ki ốt bị ngập, 85 ha lúa, 75 ha đậu, 30 ha sắn, 10 ha rau màu các loại bị hư hỏng hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thăm hỏi, động viên người dân tại vùng lũ. Theo ông Quế: "Tại địa bàn huyện, nước lũ dâng cao làm ngập 11 xã, trong đó có 4 xã bị cô lập hoàn toàn, 35 xóm bị ngập và 365 hộ dân phải di dời. Diện tích các loại cây trồng, thủy sản bị ảnh hưởng và hư hỏng hơn 3,6 nghìn ha. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu trên 65 tỷ đồng.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương đến vùng lũ lụt để khảo sát và chỉ đạo tình hình. (Ảnh: Tiền phong) |
Tính đến thời điểm hiện tại, nước lũ đang xuống rất chậm, nguy cơ lũ lớn vẫn có thể xảy ra nếu nhà máy thủy điện tiếp tục xả lũ.
Tổng hợp