Để Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đạt được hiệu quả cao nhất, trong những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã đồng loạt ra quân, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Với quyết tâm cao, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn của người vi phạm, được dư luận quần chúng đồng tình, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao.
Theo thông tin đăng tải trên TTXVN, sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện không hợp tác, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có hành động, thái độ chống lại cán bộ, chiến sỹ thi hành nhiệm vụ… vẫn còn diễn ra tại một số địa phương.
Bởi lẽ, Nghị định 100/2019, quy định xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào. Trong khi Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở mới bị xử phạt. Nhiều người thắc mắc, phải chăng Nghị định 100 đang vượt luật?
Lý giải vấn đề này, trao đổi với PV báo Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) - đơn vị xây dựng dự thảo Nghị định 100 sửa đổi Nghị định 46/2016, cho hay, ban đầu đơn vị có đưa vào dự thảo nghị định là căn cứ theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2020). Vì Điều 35 của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã sửa đổi, chiều chỉnh Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Tuy nhiên, khi góp ý cho dự thảo, một số ý kiến cho rằng không nên dẫn hết, vì nếu dẫn sẽ phải dẫn rất nhiều văn bản khác có liên quan mà Nghị định 100 căn cứ để xử phạt. Cụ thể như, xử phạt lỗi không thắt dây an toàn với người ngồi trên ô tô, xử phạt lái xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại… Những lỗi này, Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định, nhưng vẫn đưa vào nghị định xử phạt vì căn cứu theo Công ước Viên 1968 mà Việt Nam là thành viên, và Nghị định 100 cũng không dẫn căn cứ theo Công ước này.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (khoản 1 Điều 35) quy định: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Còn theo Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện như sau: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.
Như vậy, với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ 2008, với quy định nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu.
Do đó, Nghị định 100/2019 ra đời đã đưa ra mức xử phạt với tài xế sử dụng rượu bia, dù sử dụng nhiều hay ít với tất cả phương tiện. Còn nồng độ cồn chỉ sử dụng để áp các mức xử phạt khác nhau, thấp hoặc cao.