Đầu tháng 10/2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình lên Chính phủ hai phương án nghỉ Tết Đinh Dậu năm 2017 là 7 ngày hoặc 10 ngày.
Phương án thứ nhất, theo Bộ Luật LĐTB&XH, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày, công chức sẽ nghỉ từ thứ Năm ngày 26/1 đến thứ Tư 1/2/2017 (tức 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Do mùng 1, mùng 2 Tết Âm lịch rơi vào hai ngày cuối tuần, công chức được nghỉ bù vào mùng 4, mùng 5 Tết. Tổng cộng có 7 ngày nghỉ và không hoán đổi.
Phương án thứ hai: trong dịp Tết Nguyên đán 2017, người lao động nghỉ từ ngày 30 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu (tức ngày 27/1 đến hết ngày 5/2/2017). Việc hoán đổi ngày làm viêc xen kẽ giữa các ngày nghỉ, công chức đi làm thứ Bảy 11/2 và nghỉ thứ Sáu ngày 3/2/2017 để kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày liên tục.
Phương án nghỉ 10 ngày do Bộ LĐTB&XH đề xuất |
Đối với 2 phương án, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho rằng, đề xuất nghỉ 7 ngày hợp lý hơn vì không quá dài. 7 ngày là phương án hài hòa vì số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày, không quá ngắn, sau đó nghỉ sau Tết 5 ngày sẽ không quá dài.
Ủng hộ quan điểm này, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc nghỉ dài không có lợi cho người lao động. Sau khi nghỉ dài rồi quay lại với công việc, người lao động thường uể oải, không muốn làm việc. Ngoài ra, nghỉ dài, thu nhập của người lao động cũng giảm. “Quan điểm của tôi là không nên nghỉ Tết quá dài bởi điều này sẽ làm ách tắc đến sản xuất, tạo khó khăn cho doanh nghiệp và giảm năng suất lao động. Thời gian 7 ngày cũng là đủ để người lao động di chuyển, cũng như thăm hỏi nhau trong dịp Tết”.
Ngược lại, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại bày tỏ quan điểm, dịp nghỉ lễ này nên lựa chọn phương án 10 ngày phù hợp với tâm lý người lao động hơn, tránh việc 1, 2 ngày đi làm gián đoạn giữa những ngày nghỉ. Phương án này được nhiều người lao động ủng hộ vì có thời gian thăm hỏi người thân, nghỉ ngơi sau một năm làm việc bận rộn.
Trên một số mạng xã hội, phương án nghỉ Tết 10 ngày đang được đa số người lao động đồng ý, nhưng chuyên gia thì không. Hầu hết các chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng nghỉ quá dài và lãng phí. Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán Bính thân 2016, cán bộ, công chức và người lao động đã được nghỉ Tết 9 ngày liên tiếp gây tâm lý chây ì, lười biếng không thích đi làm trong một bộ phận người lao động.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa quan điểm, nên lựa chọn phương án nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 7 ngày, sau đó làm việc 1, 2 ngày lại nghỉ cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật thì phương án nghỉ liên tiếp 10 ngày sẽ hợp lý hơn, không bị ảnh hưởng đến năng suất lao động. Thời gian nghỉ dài người lao động sẽ có thời gian thăm hỏi, chúc Tết và khi trở lại làm việc sẽ nghiêm túc hơn.
“Quan trọng là sau dịp nghỉ lễ người lao động trở lại làm việc nghiêm túc, không dành cả một hai ngày đầu chỉ để chúc tụng. Bên cạnh đó, thực tế thì những người lao động ở xa họ sẽ có kế hoạch đặt vé tàu xe về quê và xin nghỉ phép từ trước, nếu doanh nghiệp không cho họ nghỉ thì họ vẫn xin nghỉ phép. Kéo dài thời gian nghỉ Tết sẽ giúp người lao động chủ động hơn trong việc đặt vé tàu xe trở lại làm việc. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất tốt thì việc nghỉ kéo dài cũng sẽ không quá ảnh hưởng đến doanh nghiệp” - ông Chính nói. Ông Mai Đức Chính cũng nói thêm, thời gian nghỉ Tết 10 ngày có thể giúp kích cầu tiêu dùng, du lịch, đồng thời đỡ tạo áp lực ùn tắc giao thông.
Nghỉ Tết quá dài thường gây cho người lao động tâm lý ngại rời quê đi làm |
Cả hai phương án vẫn đang được xem xét. Trước mắt, trong dịp Tết Dương lịch 2017 sắp tới, do ngày Tết Dương lịch rơi vào Chủ nhật, trùng với ngày nghỉ hàng tuần nên công chức, viên chức sẽ được nghỉ bù vào thứ Hai, tức ngày 2/1/2017. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất công chức, viên chức sẽ nghỉ 3 ngày liên tục, từ 31/12/2016 đến hết 2/1/2017.