Nghịch lý đường bay ngách

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Vận tải hàng không là yếu tố quan trọng giúp các địa phương thu hút đầu tư, kích cầu du lịch, mở rộng cơ hội giao thương, kết nối với các trung tâm kinh tế trong nước cũng như thế giới, đồng thời đem đến cơ hội đi lại thuận tiện hơn cho người dân.
Thành phố Cà Mau dưới cánh bay E90 của hàng không Bamboo Airways- ảnh Nguyễn Tiến Luyến.
Thành phố Cà Mau dưới cánh bay E90 của hàng không Bamboo Airways- ảnh Nguyễn Tiến Luyến.

Địa phương nào cũng muốn có sân bay, có đường bay thẳng, ngành hàng không cũng khuyến khích các hãng mở đường bay tới các sân bay nhỏ, các hãng hàng không cũng muốn phủ kín mạng bay nội địa, tạo lập phân khúc khách hàng mới, nhưng cơ chế ưu đãi, thu hút các hãng mở và duy trì đường bay ngách cũng như thu hút đầu tư nâng cấp các cảng hàng không địa phương lại chưa có.

Nghịch lý này dẫn tới tình trạng nhiều đường bay ngách phải tạm dừng khai thác dù đường bay vừa có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển vừa có ý nghĩa về mặt xã hội.

Tháng 6 vừa rồi, tôi được UBND tỉnh Cà Mau mời tham dự Presstrip 5 ngày 4 đêm, điểm nhấn của chương trình chính là trải nghiệm đường bay thẳng Hà Nội- Cà Mau.

Tuyến đường Hà Nội - Cà Mau vốn là một trong những hành trình đường bộ dài nhất cả nước, với khoảng cách lên đến gần 2.000km. Khi chưa có đường bay thẳng, du khách tới Cà Mau từ các địa phương khác thường phải di chuyển mất 2 ngày bằng đường bộ, kết hợp đường thủy và các chuyến bay nối chuyến. Do đó mặc dù sở hữu 2 Vườn quốc gia nổi tiếng, 12 di tích quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể, tiềm năng du lịch trải nghiệm, khám phá rất lớn song ngành du lịch Cà Mau vẫn chưa phát triển tương xứng, lượng du khách tới Cà Mau còn ít ỏi so với nhu cầu thực tế.

Hôm 29/4/2023, khi cánh bay Bamboo Airways hạ cánh xuống sân bay Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xúc động chia sẻ: đường bay có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa Cà Mau với các vùng, miền trong nước, tạo điều kiện để địa phương thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giao thương thuận lợi, tạo đà để Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

Anh Huỳnh Lâm, phóng viên ảnh báo Cà Mau gọi đây là chuyến bay nối liền Tổ quốc, và được giải nhất ảnh báo chí cho khoảnh khắc chiếc phản lực Embraer E190 hiện đại của Bamboo Airways hạ cánh tại sân bay Cà Mau.

Với chỉ 2 giờ bay Cà Mau đã thực sự không còn xa lắm. Nói như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bà Chín Vân: “Đối với nhiều người, sự kiện chỉ là cột mốc đánh dấu bước tiến mới của nền kinh tế, nhưng đối với nhiều người khác, đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau là một dấu ấn độc lập – tự do – hạnh phúc và toàn vẹn lãnh thổ, khi đất nước hòa bình được 48 năm”.

Mặc dù thời gian bay thí điểm Bamboo Airways chỉ được cấp slot 3 chuyến khứ hồi/tuần song đây đã là cú hích lớn đối với Cà Mau. Đại diện Bamboo Airways cho biết hệ số ghế các chuyến bay Hà Nội – Cà Mau luôn ở mức cao, cho thấy đường bay này đã đáp ứng vào nhu cầu lớn vốn bị bỏ ngỏ từ lâu của người dân. Lượng khách đến Cà Mau trong dịp Lễ 30/4 vừa qua đã đạt hơn 222.700 lượt khách đến tham quan, vui chơi, giải trí…, tăng hơn 267% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 là hơn 77 tỷ đồng.

Sau chuyến Presstrip, tôi từng lạc quan đánh giá đường bay ngách này của Bamboo Airways sẽ khai thác tốt không kém đường bay Côn Đảo.

Vậy nhưng, từ đầu tháng 8/2023, nhiều du khách đi công tác và du lịch Cà Mau đã không còn được bay thẳng nữa do Bamboo Airways tạm dừng khai thác. Vân Tùng, một nữ nhà báo vừa có chuyến công tác Cà Mau than thở: "đường bay thẳng tạm dừng rồi, giờ lại phải bay Cần Thơ rồi mất thêm 6 tiếng mới tới Cà Mau, vất vả quá".

Hỏi tỉnh, hỏi hãng hàng không thì biết sân bay Cà Mau được thành lập trên cơ sở sân bay quân sự cũ, với đường băng dài 1.500m, chủ yếu phục vụ cho máy bay trinh sát, vận tải cỡ nhỏ, mặc dù để đón được máy bay phản lực Embraer cảng Hàng không Cà Mau đã nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa triển khai được công tác bảo trì bảo dưỡng đường băng.

Thực tế hiện nay một máy bay E190 bay đến sân bay Cà Mau có sức chứa 98 hành khách. Do hạn chế về sức chịu tải của đường băng tại sân bay Cà Mau, hãng bay không thể khai thác tối đa tải trọng của phản lực. Việc phải khai thác với nhiều ghế trống trên máy bay ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của hãng.

Chi phí nhiên liệu, thuế phí, nhân công… không thay đổi khiến hãng đang phải bù lỗ cho mỗi chuyến bay, dù bán hết vé. Dẫn đến nghịch lý càng bay, thì hãng càng lỗ. Mặc dù đường bay ngách Hà Nội – Cà Mau có tỉ lệ đặt chỗ cao và rất cao vào mùa cao điểm. Hết thời gian được phép khai thác vượt tải vào tháng 7/2023 vừa qua, đường lăn sân bay Cà Mau vẫn chưa được hoàn thành để hãng khai thác đúng tải trọng", đại diện Bamboo Airways thông tin.

Trước kiến nghị của Bamboo Airways, tỉnh Cà Mau và các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra tình trạng đường băng tại sân bay Cà Mau và khẳng định đường băng không phát sinh hư hỏng bất thường từ khi khai thác đường bay Hà Nội - Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã gửi văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) xem xét, chấp thuận cho tiếp tục khai thác máy bay E190 tại sân bay Cà Mau như phương án khai thác trong thời gian qua cho đến khi công tác bảo trì đường băng được thực hiện. Song, kiến nghị này vẫn chưa phê duyệt.

Tôi là nhà báo theo ngành hàng không mười mấy năm, mỗi khi các hãng bay xúc tiến mở đường bay ngách tôi đều nói với đại diện hãng đây là phân khúc xương chứ ko phải thịt. Thịt là các trục bay chính, các đường bay vàng như Hà Nội- TP HCM, bay đường ấy vừa cao tải vừa thuận tiện, hạ tầng đầy đủ, còn đường bay ngắn, sân bay nhỏ, khách ít, gồng lỗ đợi tạo lập được thói quen đi máy bay của người dân, kích được nhu cầu du lịch, thì tối thiểu phải mất 2 năm mới tiến tới điểm hoà vốn. Các sân bay nhỏ hạ tầng không đảm bảo để khai thác thương mại, ví dụ như sân bay Cà Mau không triển khai được hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sân bay Côn Đảo không bay được ban đêm do thiếu hệ thống đèn chiếu sáng. Đầu tư, nâng cấp sân bay lại không phải tầm doanh nghiệp hàng không có thể với tới, một mình hãng hàng không cũng không thể giải quyết được bài toán duy trì đường bay ngách trong điều kiện giai đoạn đầu, thị trường chưa đủ volume, hạ tầng chưa đủ điều kiện khai thác thương mại, hãng phải bay thấp tải và bù lỗ, càng bay càng lỗ, trong khi thiếu đường bay thẳng thì địa phương mất đi biết bao cơ hội để phát triển, người dân đi lại cũng vất vả thêm nhiều lần.

Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, nhưng chưa có tỉnh nào mạnh dạn hỗ trợ các hãng hàng không duy trì các đường bay ngách, mạnh dạn thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng sân bay. Nếu nói các hãng hàng không cứ ngồi chờ thị trường đủ volume mới khai thác thì chẳng khác gì bài toán con gà- quả trứng, không kích thích thị trường thì làm gì đạt được volume. Tương tự, các tỉnh muốn thu hút đầu tư, kích cầu du lịch nhưng sân bay không có, nếu có thì lại không có chuyến bay thẳng thì đó chính là trở ngại thị trường khiến nhà đầu tư, khách du lịch thấy kém hấp dẫn mà bỏ qua.

Nên chăng, các tỉnh tiềm năng du lịch lớn như Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Kiên Giang… cũng nên mạnh dạn tư duy khác đi, coi hỗ trợ duy trì đường bay thẳng như một giải pháp xúc tiến, thu hút đầu tư, giống như các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông. Sự hỗ trợ này có thể chỉ trong một thời gian ngắn, ban đầu, để kích cầu du lịch, kích thích nhu cầu tự thân của thị trường kèm theo những giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh vai trò của tư nhân tham gia xã hội hoá hạ tầng sân bay để nhanh chóng nâng cấp được các sân bay địa phương, liên kết truyền thông quảng bá điểm du lịch mới. Khoản đầu tư này chắc chắn là không lỗ, minh chứng sống động từ những địa phương như Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Côn Đảo, Vân Đồn và sắp tới đây là Phan Thiết, Sapa…cho thấy nhờ có đường hàng không phát triển mà kinh tế du lịch “cất cánh”, đời sống người dân cũng ngày càng được nâng cao.

Dân cần đường bay, tỉnh cần đường bay, hãng hàng không muốn bay nhưng không thể bay được (do lỗ, do hạ tầng sân bay không đáp ứng), nghịch lý này cần sớm được phá bỏ, bắt đầu từ chính quyết tâm của chính quyền địa phương.

Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.