Sáng nay, hàng chục người dân ngồi chờ, xếp hàng trong phòng đăng ký xe tại Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bàn kê khai thông tin thủ tục sang tên đổi chủ chật kín, không còn ghế trống. Nhiều người phải vừa đứng vừa khom mình để điền vào hồ sơ.
Cầm bản tờ khai, anh Chu Viết Cường (quận Hoàng Mai) nhấp nhổm đứng cạnh cửa vì chưa đến lượt. "Tôi chờ đã hơn nửa tiếng, không nghĩ lại đông thế này", anh nói và cho hay trước đó phải xếp hàng cả buổi sáng để nộp phí trước bạ.
"Rồi đến việc xin xác nhận của công an phường, chờ cán bộ đăng ký xe giải quyết cũng phải mất đến 2 ngày", anh nói.
Chia sẻ lý do đi đăng ký xe chính chủ, anh bảo trước đây cũng không coi trọng việc này lắm, nhưng nghe thông tin nếu không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ ngày 1/1/2017 nên "quyết tâm" đi làm thủ tục. "Mất thời gian một chút nhưng yên tâm, xe đứng tên mình".
Như anh Cường, chị Đỗ Thị Huyền (Hoàng Mai) từ lâu cứ lần lữa sang tên đổi chủ vì ngại thủ tục phức tạp, giờ "nước đến chân mới nhảy". Tuy nhiên, khi đến cơ quan công an, chị ngạc nhiên vì thấy thủ tục được niêm yết dễ nhìn, hướng dẫn cụ thể...
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo tổ đăng ký xe Công an Hoàng Mai cho biết, trong nửa tháng 12, số lượng người đăng ký sang tên đổi chủ xe máy tăng đột biến. Những tháng trước, mỗi ngày lác đác vài trường hợp thì giờ này nào cũng tiếp nhận 50-70 hồ sơ. "Trong nửa tháng 12 đã xong đăng ký sang tên cho 750 phương tiện", vị này cho hay.
Do nhiều người đến đăng ký, đơn vị huy động 100% quân số, nhiều hơn kéo dài thời gian làm việc để giải quyết để người dân đỡ mất thời gian đi lại.
Tại quận Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, số người đến đăng ký sang tên đổi chủ cũng tăng đột biến trong tháng 12. Tại Đông Anh, hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận 75-80 bộ hồ sơ, trong khi trước đó chỉ 4-5 bộ. Do nhu cầu của người dân tăng cao, tổ đăng ký xe của huyện đã đến nhiều xã làm thủ tục vào các ngày cuối tuần. Đông Anh phấn đấu đến ngày 31/12/2016 giải quyết 100% việc sang tên đổi chủ cho xe máy.
Từ ngày 1/1/2017, theo điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình) khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông, hay qua công tác quản lý hồ sơ.
Theo quy định của Bộ Công an, việc xử phạt xe không sang tên đổi chủ chỉ thông qua phát hiện các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và qua công tác đăng ký, sang tên, đổi chủ, ngoài ra cảnh sát giao thông không được dừng phương tiện ở ngoài đường để truy lỗi xe chính chủ.