Trước đó, Chi hội Người Điếc Hà Nội đã tổ chức hàng loạt các hoạt động trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa người điếc, những vấn đề mà người điếc đang gặp phải, những nỗ lực đóng góp của người điếc với xã hội và tầm quan trọng của ngôn ngữ ký hiệu trong việc giúp người điếc hòa nhập đầy đủ và đóng góp tích cực cho xã hội.
Các hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi bao gồm 1 buổi livestream vào tối ngày 19/9 chia sẻ thông tin về quá trình hình thành và phát triển của Chi hội Người Điếc Hà Nội, lịch sử ra đời của Liên Đoàn Người Điếc Thế Giới và tuần lễ người Điếc thế giới.
Tiếp đó là ba sự kiện giao lưu văn hóa qua Zoom (ngày 21, 24 và 26/9) với ba khách mời từ các hội người điếc đến từ Vương quốc Đan Mạch, Cộng hòa Séc và Nhật bản với sự tham gia của hơn 90 đại biểu, thu về hơn 1.400 lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ.
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Hoàng Thái Anh - Chủ tịch HAD, cho biết tuần lễ không chỉ bao gồm các hoạt động vận động chính sách, quyền bình đẳng mà còn nâng cao hiểu biết và hiệu quả hoạt động cộng đồng trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng người Điếc trong việc tiếp cận thông tin chính thống, đại diện HAD chỉ ra.
"Hàng tuần, chúng tôi có 1 buổi sinh hoạt, trao đổi thông tin cho các hội viên, nhưng do quy định giãn cách nên phải hoãn, khiến nhiều người không nắm được các thông tin về dịch bệnh. Đã có trường hợp người Điếc bị xử phạt trong giai đoạn giãn cách vừa qua vì chưa được tuyên truyền", ông Thái Anh cho biết. "Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin y tế, nhất là trong vấn đề tiêm chủng. Nếu thông tin đến sớm sẽ giúp bảo vệ người Điếc trong bối cảnh đại dịch."
Không chỉ gặp rào cản về thông tin, đại dịch cũng khiến nhiều người Điếc mất cơ hội làm việc và học tập, chỉ riêng tại thành phố Hà Nội đã có khoảng 300 trẻ Điếc không thể đến trường, việc học của các em cũng bị hạn chế qua hình thức trực tuyến.
Phía HAD cho biết đã hỗ trợ các hội viên làm thủ tục xin hỗ trợ, đặc biệt là các trẻ Điếc, để gia đình các em có thể trang trải chi phí, mua sắm thiết bị học tập trong giai đoạn khó khăn này.
Sau hơn hai thập kỷ kể từ khi được thành lập, Chi hội Người Điếc Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa và sự đóng góp xã hội của người Điếc, quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách hiệu quả thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cũng như tích cực vận động để phát triển mạng lưới phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời mở rộng và phát triển các mối quan hệ quốc tế nhằm có được sự hỗ trợ lâu dài và hiệu quả với cộng đồng người điếc trong nước.