Người Minh Tân đi 'tìm đất'

[Ngày Nay] - Đất khai hoang bỗng biến thành đất rừng phòng hộ chỉ bằng một tờ giấy A4 vô cảm do chính quyền ký. Công lao 34 năm khai hoang phục hóa bỗng đổ hết lên non. Từ vị trí người chủ, hàng trăm con người trở thành những kẻ “ăn rừng”. Chuyện xảy ra cách trụ sở UBND TP Hà Nội vài chục km theo đường chim bay!
Người Minh Tân đi 'tìm đất' ảnh 1

Một góc thôn Minh Tân chụp từ trên cao.

34 năm trước, gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng là một trong số 124 hộ dân nghe theo lời kêu gọi của chính quyền huyện Sóc Sơn bỏ nhà cửa, làng xóm để vào khai phá vùng đất Đồng Đò khi đó là đồi trọc, cây hoang, cỏ dại. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của gần 500 con người đã biến mảnh đất từ vùng sơn cùng thuỷ tận, cây cỏ hoang sơ, 34 năm sau đã thay da đổi thịt, những rừng cây bạt ngàn đã phủ kín những đồi trọc. Nhưng rồi, đoạn trường “khai hoang” tìm đất của 124 vẫn chưa dừng lại khi mà 34 năm sau họ lại phải đi gõ cửa cơ quan chức năng nhiều cấp để mà tìm quyền lợi trên mảnh đất mà chính họ đã khai phá ra.

Rừng này là do chúng tôi trồng ra, chúng tôi vẫn hàng ngày, hàng giờ bảo vệ bằng mọi giá nhưng cũng phải có vài tấc đất cho chúng tôi sinh sống, tồn tại thì mới bảo vệ được rừng chứ...Anh Nguyễn Mạnh Hùng

Khai sơn, phá thạch

Giữa năm 2019, đúng tròn 34 năm, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), một trong những con người đầu tiên khai phá ra mảnh đất này vẫn đang tất bật với công cuộc đi… tìm đất. Khác với trước, công cuộc tìm đất bây giờ không phải là dùng cuốc, dùng xẻng mà là những tập hồ sơ giấy tờ, là những đơn kêu cứu, là những văn bản giấy tờ chứng minh cho việc, anh Hùng cùng hơn 500 nhân khẩu của 124 hộ dân trước kia đã khai phá ra vùng đất Minh Tân.

Nghẹn lời, anh Hùng chia sẻ, “34 năm trước, chúng tôi đã khai phá ra nơi này vậy mà đến nay phải đi kêu cầu để chứng minh mình đã làm việc đó…”.

Người Minh Tân đi 'tìm đất' ảnh 2

Cổng chào trên con đường độc đạo vào thôn Minh Tân.

Lật lại chuyện xưa cũ, anh Hùng kể, vào năm 1985, khi đó vùng Đồng Đò chỉ là mảnh đất hoang hoá, chỉ có cây cỏ hoang dại chứ chẳng có bất cứ cây cối nào. Chính quyền huyện Sóc Sơn khi đó kêu gọi người dân địa phương khai hoang đất Đồng Đò. Nghe theo tiếng gọi của chính quyền, 124 hộ dân từ nhiều xã như Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng, Kim Lũ... đã đến vùng kinh tế mới Đồng Đò.

Bỏ lại sau lưng nhà cửa, ruộng vườn, hơn 500 con người già trẻ, lớn nhỏ cùng nhau đùm dúm lên mảnh đất Đồng Đò. Theo kế hoạch thì hồ Đồng Đò sẽ là vùng lõi của khu kinh tế mới, các hộ dân sẽ khai hoang từ đó mà lan ra các vùng lân cận. Cả một dải đất chỉ có cỏ cây hoang dại, đến đường đi còn chẳng có nên 124 hộ dân cùng bảo nhau phát cây làm đường rồi chia nhau những khoảng đất rộng để khai phá.

Anh Hùng nhớ lại thời điểm đó: “Hồi ấy mỗi hộ dân ra đi được huyện hỗ trợ cho gạo ăn 6 tháng (14 kg/tháng), 100 kg xi măng và 600 viên ngói. Nhưng chẳng thấm vào đâu vì khi đó cả vùng đất Đồng Đò chỉ toàn đồi núi khô cằn, hoang vắng, điện, nước không có, đường đi lối lại cách trở. Chúng tôi đã vượt qua những đói rét, bệnh tật…”. Rau cỏ hoang dại, con cua, con cá ở hồ Đồng Đò trở thành nguồn lương thực chính cho hơn 500 con người và cứ thế họ đằng đẵng kiên trì bám trụ để khai sơn, phá thạch.

Trước thì gọi là khu kinh tế mới Đồng Đò, sau này, khi  mảnh đất đã thay da đổi thịt, rừng cây đã phủ xanh, cuộc sống của các hộ dân đã cải thiện hơn thì chính quyền xã Minh Trí lập ra thôn Minh Tân là một đơn vị hành chính. Gọi là thôn vậy thôi chứ cuộc sống của những hộ dân nơi đây muôn trùng khó khăn, đường đi vào thôn vẫn chỉ lối mòn mà do người dân nơi đây đi nhiều mà tạo ra, đến đầu năm 2000 điện lưới vẫn chưa có.

May mắn thay, nhân dịp 27/7/2000, khi đi thăm bà con khu kinh tế mới Đồng Đò, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) chứng kiến tình cảnh khốn khó của người dân địa phương nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kéo điện lưới cho bà con. Chưa đầy 3 tháng sau, vào ngày 1/10/2000, đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã về trạm biến áp thôn Minh Tân để đóng cầu dao điện, chứng kiến việc khánh thành công trình 2 km đường dây điện hạ thế phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất cho bà con Đồng Đò.

Nhớ về kỷ niệm này, anh Hùng bùi ngùi: Dân Minh Tân chúng tôi biết ơn bác Trọng lắm. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu không có sự chỉ đạo của bác Trọng thì chưa chắc chúng tôi đã có điện mà dùng sớm như vậy, dẫu rằng trước sau gì cũng có nhưng chắc cũng phải nhiều năm sau.

Người Minh Tân đi 'tìm đất' ảnh 3

Đi khắp thôn Minh Tân đâu đâu cũng thấy dòng chữ này.

Điện về, đời sống của người dân Minh Tân thay đổi hẳn. Công cuộc khai sơn phá thạch trồng rừng cũng đã thu được kết quả khi mà một màu xanh bạt ngàn đã phủ kín lên vùng Đồng Đò. Năm tháng trôi qua, rừng càng lớn, cây càng cao đã chứng minh cho mồ hôi, công sức của hơn 500 con người trước kia đã thu được những thành quả tuyệt vời.

Oan nghiệt quy hoạch rừng phòng hộ?

Cuộc sống bình yên ở Minh Tân cứ thế yên ả trôi qua trong sự bao phủ của những cánh rừng được chính người dân ở đây trồng lên. Nhưng rồi, một biến cố được dân Minh Tân nói là cú sốc thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ đã diễn ra vào tháng 5/2008, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, trong đó, toàn bộ thôn Minh Tân nằm trọn trong vùng rừng phòng hộ. Quyết định này được ban hành đồng nghĩa với việc toàn bộ nhà cửa, đất đai gồm cả đất ở, đất canh tác của 124 hộ dân trước đây đi khai phá là bất hợp pháp vì đã là rừng phòng hộ thì đâu có được xây dựng, đâu có được canh tác gì. Và đương nhiên, hơn 500 con người trước đây đi khai phá vùng đất Đồng Đò, vốn dĩ họ là những con người có công nay bỗng chốc trở thành những người vi phạm quy định của chính quyền…

Giãi bày nỗi bức xúc của mình, anh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Gia đình tôi cũng như tất cả các hộ dân nơi đây không hiểu sao bỗng chốc từ chỗ người đi khai phá, đi trồng rừng chỉ qua một cái văn bản điều chỉnh quy hoạch đã trở thành kẻ đi chiếm rừng, sống tranh của rừng. Rừng này là do chúng tôi trồng ra, chúng tôi vẫn hàng ngày, hàng giờ bảo vệ bằng mọi giá nhưng cũng phải có vài tấc đất cho chúng tôi sinh sống, tồn tại thì mới bảo vệ được rừng chứ...

Người Minh Tân đi 'tìm đất' ảnh 4

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân chỉ tay vào lời kêu cầu đòi đất dán ngay trước cổng nhà mình.

Nói thêm về những diễn biến đã xảy ra anh Hùng cho biết, tôi là Phó thôn, trước đây từng làm 2 khoá trưởng thôn nên có thể đại diện cho các hộ dân ở đây khẳng định, chúng tôi không chỉ bỏ ra rất nhiều công sức xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới Đồng Đò từ 1985 tới nay, bà con thôn Minh Tân còn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và chấp hành các chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Theo anh Hùng, bà con nộp đầy đủ các loại thuế đất ở, đất vườn, đất nông lâm nghiệp, cho tới việc thực hiện thủ tục để công nhận quyền đất ở, đất vườn có nguồn gốc từ khai khẩn ruộng đất đã sử dụng từ năm 1985 tới nay theo yêu cầu của UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí. Thế nhưng, đã 34 năm sinh sống ổn định và hợp pháp trên mảnh đất Đồng Đò, đến nay các hộ dân ở Minh Tân vẫn chưa được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp.

Trước biến cố tự dưng ập đến, người dân Minh Tân lại một lần nữa dắt díu nhau đến gõ cửa cơ quan chức năng để kêu cầu về quyền lợi trên mảnh đất mà họ đã khai phá. Kêu cầu từ cấp xã rồi lên cấp huyện, từ cấp thành phố lên Trung ương nhưng câu trả lời cụ thể thì cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có. Cá nhân anh Hùng thậm chí đã từng nhiều lần cùng với người dân thôn Minh Tân lên cả Thư viện Quốc gia để mà tìm các văn bản về luật pháp quy định quyền lợi của những con người đã đi vùng kinh tế mới, khai hoang đất trống đồi núi trọc.

Khẳng định một cách chắc chắn, anh Hùng cho biết, luật pháp quy định rất rõ về việc những người dân đi khai hoang được hưởng những quyền lợi như thế nào. Khi đi khai hoang chúng tôi có quyền được giao đất ở, vườn, đất canh tác và đất rừng. Rừng thì nay chúng tôi đã trồng rồi vậy quyền lợi trên đất ở, đất vườn, đất canh tác của chúng tôi ở đâu?

Bài tới: Dặm trường đội đơn đi tìm đất của chính mình

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.