“Tôi ở nhà, ngủ và xem các bộ phim truyền hình. Thi thoảng tôi sẽ ra ngoài đi dạo, đọc sách và thường suy nghĩ rất nhiều”, Daisy Zhang, 28 tuổi, chia sẻ. Để theo đuổi lối sống "tang ping", Zhang đã rời bỏ công việc trong ngành điện ảnh của mình ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô.
"Tang ping" đã nổi lên trong vài tháng qua như một trào lưu của giới trẻ Trung Quốc. Một số người đã so sánh những thanh niên này với thế hệ Beat những năm 1950 ở Mỹ. Nhiều người khác gọi hành vi của họ là một hình thức phản kháng bất bạo động hay "giải phóng ý thức hệ" khỏi chủ nghĩa tiêu dùng.
Những người ủng hộ "tang ping" miêu tả trào lưu này như một cách thư giãn để tránh bị rơi vào trạng thái căng thẳng, từ đó nỗ lực hơn nữa trong công việc cũng như trong cuộc sống của chính mình. Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng đây là lối sống ích kỷ, quay lưng với xã hội.
Nhiều nhà quan sát cho rằng lối sống "tang ping" đang phản ánh sự chán nản của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc khi mức lương của họ không đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản ở các vùng đô thị, vốn đầy tính cạnh tranh và ngày càng đắt đỏ.
“Họ nhận thấy rằng mình không có bất kì động lực nào để cố gắng”, Yicheng Wang, một nghiên cứu sinh tại Đại học Boston, cho biết. “Họ chấp nhận thực tế một cách tiêu cực: 'Cuộc sống của tôi là như vậy. Nó sẽ luôn luôn diễn ra như vậy’”.
Trong những tuần gần đây, một nhóm “nằm xuống” trên diễn đàn trực tuyến Douban đã tăng lên 9.000 thành viên. Những thành viên của nhóm này tự nhận mình là "những người thích nằm xuống", thường đăng ảnh mèo và hải cẩu đang nằm ngửa.
Nhưng khi "tang ping" dần trở nên phổ biến, trào lưu này liên tục bị chỉ trích và hứng chịu nhiều sự phản đối trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Tờ nhật báo Nam Phương gọi đây là lối sống “đáng xấu hổ”, trong khi đó, thời báo Hoàn cầu mô tả “tang ping không phải là một triết lý nghiêm túc”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc chỉ ra rằng các nhân viên y tế trẻ ở tuyến đầu chống lại đại dịch COVID – 19 sẽ “không bao giờ nằm xuống thư giãn”.
Chính phủ Trung Quốc sau đó cũng vào cuộc. "Tuyên ngôn" của trào lưu "tang ping" hiện đã bị gỡ bỏ trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, các bài chia sẻ lại nội dung trên cũng như các chủ đề thảo luận về "tang ping" đều đồng loạt bị xoá.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng lối sống "tang ping" đang đi ngược lại chính sách thúc đẩy làm việc và tiêu dùng, vốn được chính phủ Trung Quốc chú trọng để giữ cho nền kinh tế vận hành ổn định.
“Mọi người đã bị thuyết phục bởi những lời huyễn hoặc về sự phát triển của bản thân”, Yang Zhan, một nhà nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết. “Họ sẵn sàng tạm dừng cuộc sống của mình ở hiện tại với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng cảm giác lạc quan đó dường như sẽ biến mất”.
Đối với Daisy Zhang, chọn cách sống "nằm xuống" không phải là từ bỏ hay rút lui khỏi xã hội. “Đó là cách thể hiện những yêu cầu của chúng tôi với xã hội. Chúng tôi mong muốn các hệ thống tốt hơn và người lao động được bảo vệ nhiều hơn”.
“Nhiều người muốn tham gia vào trào lưu này, muốn nằm xuống vì lối sống hiện đại gây quá nhiều mệt mỏi", Zang chỉ ra.
"Tang ping" có thể được xem như là một lối sống mà con người ta có thể nghỉ ngơi nhiều hơn trước những áp lực trong công việc. Trên trang mạng xã hội Douban, các nhóm mới đã xuất hiện và ủng hộ việc “nằm xuống sau đó đứng lên”. Daisy Zhang cũng cho biết rằng cô đang có ý định tham gia tuyên truyền cho nhóm này.
"Tôi đang chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc, nhưng đồng thời cũng hỗ tìm kiếm hướng đi cho nhóm này", cô cho biết. “Như vậy vẫn tốt hơn là không làm gì cả”.