Tấm gương lớn
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trải qua nhiều chức vụ khác nhau; từng học tập và làm việc ở Liên Xô trước đây; phiên dịch cho Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là cán bộ kỳ cựu của ngành Ngoại giao Việt Nam.
Trong thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là nhà ngoại giao xuất sắc, đầy bản lĩnh, nhà nghiên cứu và lý luận sâu sắc.
Sự nghiệp ngoại giao của đồng chí Vũ Khoan có nhiều điểm sáng, nổi bật là việc Việt Nam gia nhập ASEAN và khu mậu dịch tự do của khối này; kế đến là Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và một chặng đường dài với cuộc thương thuyết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nguyên Phó Thủ tướng là người có tư duy đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Qua hai thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nguyên Phó Thủ tướng cùng Chính phủ đã có công giúp Việt Nam chấm dứt thế bao vây cấm vận, mở ra chính sách đối ngoại mới.
“Trong thời gian ông làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có đóng góp quan trọng đưa đất nước mở cửa và hội nhập với quốc tế. Đến thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó ông Vũ Khoan giữ cương vị Phó Thủ tướng đã có hoạch định chính sách với lộ trình mở cửa rất hay. Lộ trình đó bắt đầu từ Đông Nam Á rồi đến Hoa Kỳ, sau đó mở rộng sang châu Âu…”, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân cho biết.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại từ năm 2000, đồng chí Vũ Khoan đã góp phần ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (năm 2001) và thúc đẩy Việt Nam gia nhập WTO.
Chia sẻ ấn tượng về nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ông Vũ Dương Huân nhấn mạnh: “Ông là người có tư duy đổi mới, trí tuệ, luôn luôn đọc sách, học hỏi và có nhiều trăn trở làm sao thúc đẩy ngoại giao Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Ông Vũ Khoan là tấm gương lớn về tư tưởng đổi mới, năng động, sáng tạo, luôn học tập cho cán bộ Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đặc biệt là với những nhà ngoại giao trẻ".
Cho biết nguyên Phó Thủ tướng cũng là nhà nghiên cứu với nhiều công trình trong lĩnh vực ngoại giao, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Dương Huân nhận xét: “Ông Vũ Khoan làm việc đến tận lúc mất. Trước khi mất ông vẫn tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học nghiên cứu của Bộ Ngoại giao. Đây là con người học tập suốt đời”.
Mặc dù không được trực tiếp làm việc với nguyên Phó Thủ tướng nhưng vì cùng làm công tác ngoại giao và tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu ngoại giao nên Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Vũ Dương Huân biết và hiểu về đồng chí Vũ Khoan với lòng kính trọng một tấm gương lớn của ngành Ngoại giao.
Đối với ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), kỷ niệm về đồng chí Vũ Khoan trên cương vị Bí thư Trung ương Đảng (từ năm 2001) đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong ông.
“Đây là thời kỳ tôi được làm việc nhiều với Phó Thủ tướng Vũ Khoan, tháp tùng ông đi nhiều hoạt động quan trọng và xử lý một số vấn đề về quan hệ Việt Nam với các nước”, ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ. Trong lần tháp tùng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, khi đó là Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị các chính đảng châu Á, được chứng kiến sự nhạy cảm, thận trọng, kỹ lưỡng trong các phát biểu, ứng xử… , những cán bộ ngoại giao như ông Nguyễn Vinh Quang còn được hướng dẫn về cách phát ngôn.
Năm 2014, ông Nguyễn Vinh Quang được giao làm đạo diễn bộ phim kỷ niệm 65 năm thành lập Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông đã đến nhà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan để tham vấn ý kiến và được nguyên Phó Thủ tướng trò chuyện rất lâu kể cả chuyện chung lẫn chuyện riêng. “Mặc dù cùng làm trong ngành Ngoại giao và là nhà lãnh đạo nhưng ông như một người thầy của tôi. Ngay cả những cuốn sách do ông viết hay trong những cuộc nói chuyện của ông với các cán bộ ngoại giao, tôi đều học được nhiều điều”, ông Nguyễn Vinh Quang xúc động nói.
Ông Nguyễn Vinh Quang khẳng định: “Không có một lãnh đạo về hưu nào ở tuổi 80 đều có mặt, phát biểu, chia sẻ ở nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Mỗi dịp tọa đàm có bác Vũ Khoan đến, chúng tôi đều mừng và mong nghe bác phát biểu, rất trân trọng”.
Dấu ấn trong xây dựng Nghị quyết 36
Nhớ lại quãng thời gian được làm việc chung với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phú Bình khẳng định, đồng chí Vũ Khoan là người có đóng góp rất lớn cho ngành Ngoại giao nước nhà. Từ một người phiên dịch tiếng Nga cho các nhà lãnh đạo, đồng chí đã tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà lãnh đạo để sau này vận dụng trong công tác chuyên môn, sự nghiệp lãnh đạo.
“Cá nhân ông là người rất thông minh, nhạy cảm, tiếp thu nhanh, nhìn nhận vấn đề khúc chiết, rõ ràng. Những cán bộ cấp dưới của ngành Ngoại giao rất may mắn khi được làm việc và trưởng thành dưới sự chỉ đạo của ông”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ.
Đề cập đến một khía cạnh khác không phải ai cũng biết, đó là quá trình Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài hình thành và được triển khai thực hiện, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, đây là kiến nghị của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Khi đó, ông Nguyễn Phú Bình là Phó Chủ nhiệm Ủy ban, sau đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban. Phó Thủ tướng Vũ Khoan lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, là người ghi dấu ấn rất lớn trong quá trình hình thành nên Nghị quyết này.
“Khi chúng tôi đưa lên, ngay từ khâu đầu tiên, thông qua Ban cán sự, ông rất tỉ mỉ, xem xét từng câu chữ, sửa chi tiết, văn phong của Nghị quyết. Văn bản này được thông qua ngày 26/3/2004, sang năm 2024 là tròn 20 năm mà đến giờ vẫn còn nguyên giá trị, có sức sống lâu dài; đến nay vẫn không hề lạc hậu và là kim chỉ nam cho công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhận xét, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người chịu khó đọc. Khi đọc xong một cuốn sách hay nghiên cứu về một vấn đề gì, bao giờ ông cũng đúc rút rất rõ ràng, truyền đạt lại để những cán bộ trẻ tiếp thu dễ dàng hơn.