Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước trên hồ Hòa Bình lúc 6 giờ 30 ngày 22/7 là 106,4m. Hiện tại, nhà máy đã xả cửa xả đáy số 3, lưu lượng nước đổ về hồ là 6.200m3/giây và mực nước khu vực hạ lưu lên đến 17,41m.
Để chủ động ứng phó với việc vận hành xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình và hạn chế thiệt hại do nước dâng nhanh gây ra, ngày 21/7, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có công điện khẩn gửi đến các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình yêu cầu trong thời gian Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ (3 cửa xả đáy) cần tổ chức nghiêm việc trực phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mực nước hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thông tin kịp thời tới các xã, phường và người dân sống ven sông, các khu vực thấp trũng có khả năng ngập lụt để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương duy trì và tăng cường các lực lượng tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu; cử thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phụ trách tới các địa phương chỉ đạo, thực hiện công tác ứng phó thiên tai.
Uỷ ban Nhân dân thành phố Hòa Bình phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, bố trị lực lượng ngăn cấm, cưỡng chế người dân vào khu vực nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh khi nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Ngoài ra, các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ cử cán bộ tới các khu vực nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình) để xem xét nguyên nhân tìm biện pháp khắc phục tình trạng cá nuôi chết hàng loạt, giảm tối đa thiệt hại.