Trong sáng tạo không có khái niệm vay mượn
Là người đưa áo dài Việt Nam ra thế giới từ hàng chục năm nay, bà đã bao giờ chứng kiến áo dài được sử dụng trong các thiết kế của các nhà thiết kế quốc tế?
Cũng đã có nhiều Nhà thiết kế trên thế giới lấy cảm hứng từ chiếc Áo dài truyền thống Việt Nam (chữ Áo dài được nhà thiết kế Minh Hạnh viết hoa trong bản trả lời phỏng vấn như một sự trân trọng di sản quý báu của dân tộc Việt - PV) đưa vào bộ sưu tập của họ. Đối với một nhà thiết kế chuyên nghiệp thì cách xử lý từ ý tưởng cho đến hiện thực luôn phải lọc qua lăng kính và tư duy của họ. Chính vì thế, chúng ta có thể nhận ra đó là Áo dài, nhưng mang một tinh thần khác biệt. Nếu là một nhà thiết kế có tài năng, họ sẽ biết cách khai thác và tôn trọng những đường nét truyền thống để tạo hình một trang phục hiện đại.
Theo bà, việc các nhà thiết kế Trung Quốc coi áo dài là những “Chinese style - thiết kế mang phong cách Trung Quốc” có phải hiện tượng “vay mượn” tinh hoa văn hóa?
Chúng ta đang ở trong thời đại mà bất kỳ một sản phẩm nào cũng phải được truy xuất nguồn gốc. Tất cả những sáng tạo của thời đại này phải được bảo vệ bằng cơ sở pháp lý khoa học.
Trong sáng tạo, không có khái niệm là vay mượn tinh hoa văn hoá, chỉ có cảm xúc mang tính tôn trọng đối với văn hoá của một đất nước nào đó mà người sáng tạo yêu quý và ngưỡng mộ.
Là người yêu tà áo dài, bà phản ứng như thế nào khi thấy áo dài Việt Nam được gọi là "thiết kế mang phong cách Trung Quốc"?
Tôi không có bất kỳ quan điểm về chuyện xấu đẹp trong câu chuyện này, bởi đây không phải là câu chuyện đẹp - xấu. Đó là một sự xâm thực, chiếm dụng văn hoá.
Định vị áo dài Việt Nam
Theo bà, những việc mà các nhà quản lý, các nhà thiết kế Việt Nam làm lâu nay đã đủ để định vị “áo dài là của người Việt”, bảo vệ áo dài trước mọi xâm lấn văn hóa từ nước ngoài?
Có cả triệu bài viết, ngàn lời thơ nhạc để ca tụng Áo dài, nhưng chúng ta lại chưa thích nghi được với những đòi hỏi của thời đại chính là vấn đề sở hữu trí tuệ. Muốn bảo vệ Áo dài thì chúng ta phải có đầy đủ cơ sở pháp lý xác nhận Áo dài là của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, việc xác nhận Áo dài là di sản của Việt Nam vẫn chưa làm được.
Vậy, bà sẽ làm gì trong thời gian tới để bảo vệ và gìn giữ Áo dài?
Tất cả các nhà thiết kế Việt Nam cần có ý thức mạnh mẽ hơn nữa sau những “hiểm hoạ” hiện hữu và cần có nhiều năng lượng tốt hơn, mạnh hơn, trong việc làm thế nào để Áo dài luôn là chiếc áo truyền thống của Việt Nam và chỉ duy nhất là của Việt Nam.
Trong con mắt nhà nghề, bà có tự tin vào thế hệ thiết kế trẻ trong sáng tạo với Áo dài?
Trong thực tế, các nhà thiết kế trẻ đã thổi một luồng sinh khí mới nhiều hấp lực cho Áo dài, tuy nhiên cũng có một số khác dễ dàng thoả hiệp với sự dễ dãi, nông cạn và năng lực không đủ, tấm lòng không đủ, nên bất lực khi thiết kế Áo dài. Qua câu chuyện này, các nhà thiết kế cần nhiều hơn một tấm lòng, sự thận trọng, để Áo dài không bị lẫn lộn với bất kỳ một chiếc áo nào đó.
Cho phép tôi trích một phát biểu của Thủ tướng để kết thúc bài này: "Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, là mất gốc". "Văn hóa là thương hiệu của đất nước, nhưng lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư đúng cách", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu vào Ngày di sản văn hóa Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!