Ngày 24/12, Thông tấn Tass của Nga cho biết, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã bất ngờ tiết lộ các tài liệu liên quan đến những sự kiện xảy ra vào những năm 1970 và 1980.
Trong số những tài liệu được Bộ Ngoại Giao Nhật Bản tiết lộ có tài liệu nói về việc vào năm 1983 Washington đã bí mật thông báo cho Tokyo rằng, Moscow bắn hạ máy bay của Hàn Quốc khi đang bay trong không phận Liên Xô là do nhầm lẫn.
Theo tài liệu trên, sở dĩ, Liên Xô bắn hạ là do nghĩ đó là máy bay do thám của Mỹ. Thông tin bí mật này do một quan chức cấp cao của Chính quyền Mỹ thông báo cho Nhật Bản sau 2 tháng sau thảm họa hàng không trên.
Hình ảnh mô phỏng máy bay đánh chặn của Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách Hàn Quốc.
Khi đó, Mỹ cho rằng, Moscow bắn hạ máy bay Hàn Quốc là một hành động cố tình, có tính toán từ trước, trong khi Liên Xô một mực khẳng định máy bay bị bắn hạ đang thực hiện sứ mệnh do thám.
Ngoài ra, quan chức cấp cao Mỹ còn thông báo, sau sự cố xảy ra Mỹ đã triển khai truy tìm hộp đen của máy bay bị bắn hạ bằng việc sử dụng các “phương tiện bí mật” tại ở vùng biển ngoài khơi đảo Sakhalin của Liên Xô. Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại trong chiến dịch này khi mà Liên Xô đã tìm thấy trước.
Các tài liệu trong hộp đen (đặc biệt là phần giải mã các cuộc đàm thoại với các máy bay khác trên không và các điều phối viên, nội dung các cuộc nói chuyện được ghi lại bởi thiết bị ghi âm giọng nói trên khoang...) đã được Tổng thống Nga Boris Yeltsin chuyển giao cho Hàn Quốc và Mỹ vào năm 1992.
Máy bay Boeing 747 của Hàn Quốc bay từ New York đến Seoul với một chặng dừng tại Anchorage, đã bị bắn rơi ngày 1/9/1983. Theo các nguyên nhân chưa được xác thực, chiếc máy bay này đã bay lệch hướng và bay qua Kamchatka và Sakhalin.
Tại khu vực phía nam Sakhlin nó đã bị bắn hạ bởi một máy bay đánh chặn của Liên Xô làm tất cả 269 hành khách trên khoang thiệt mạng.
Vị trí nơi máy bay Hàn Quốc bị bắn hạ.
Theo kết quả điều tra của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), phi công điều khiển máy bay Hàn Quốc đã cài chế độ bay tự động và không rõ vì nguyên nhân gì mà không lập trình chính xác lộ trình bay. Nhiều tình tiết của vụ việc hiện nay vẫn chưa được lý giải.
Bằng cách sử dụng máy tính điện tử và thiết bị tập luyện của loại máy bay Boeing-747, ngày 14/9/1983 các chuyên gia Anh đã mô phỏng lại toàn bộ chuyến bay và xem xét toàn bộ 27 phương án về các điều kiện có thể xảy ra.
Họ đã chứng minh rằng, vụ bay lệch đường lớn như vậy chắc chắn không thể do lỗi của hệ thống dẫn đường cũng như nạp sai dữ liệu vào máy tính của máy bay. Tất cả mọi hoạt động của chiếc máy bay đều được điều khiển hết sức chi tiết - thể hiện ở các số liệu thay đổi về hướng bay, vận tốc và chiều cao.
Nguyễn Hoàng