“Bản đồ Việt Nam” không có quần đảo Trường Sa?
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu câu chuyện này ở những cơ quan thuộc cấp Bộ, các tổ chức lớn hoặc chính quyền cấp tỉnh… thì thực sự thấy giật mình bởi tình trạng sử dụng bản đồ một cách bát nháo, vô tội vạ. Có rất nhiều đơn vị vô tư “show” các tấm bản đồ điện tử rất chi tiết, có thể tìm thấy hầu hết các địa danh nhưng hoàn toàn không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bắc Giang, Thái Bình dùng “bản đồ hành chính” không có Hoàng Sa, Trường Sa?
Tình trạng sử dụng bừa bãi, tùy tiện bản đồ của google để dùng trên website chính thức của mình còn phải kể tới cổng thông tin điện tử Thái Bình (thaibinh.gov.vn), cổng thông tin điện tử Bắc Giang (bacgiang.gov.vn)…
Trên website của tỉnh Thái Bình, tại vị trí nổi bật nhất được “dành đất” để show “Bản đồ hành chính” của tỉnh mình. Nhưng khi click vào tấm bản đồ hành chính này thì người đọc sẽ được “điều hướng” sang đường link bản đồ của google. Ở bản đồ này, dù có tìm mỏi mắt cũng không thấy tên hai quần đảo quan trọng của Việt Nam là Hoàng Sa, Trường Sa, thay vào đó là các quần đảo có tên nước ngoài.
Ở website của Bắc Giang (bacgiang.gov.vn), trong phần bản đồ hành chính, khi người đọc click vào thì cũng hiện ra bản đồ tương tự như trên. Không ai có thể tìm thấy những quần đảo thân thuộc của Việt Nam đang hiển thị ở vị trí nào trong tấm bản đồ này.
Doanh nghiệp nhà nước, trường đại học cũng dùng bản đồ không đủ biển, đảo
Tình trạng dùng bản đồ bát nháo, bừa bãi không thể hiện được sự toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam còn xuất hiện ở một số doanh nghiệp. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội, trên website của Công ty này (hawacom.vn) cũng đặt link bản đồ của google để chỉ dẫn địa chỉ cho khách hàng, đối tác của mình tìm thấy trụ sở Công ty một cách nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, cũng giống như các đơn vị khác, việc dùng bản đồ theo kiểu “nhúng link” khiến chủ quyền biển đảo đã không được thể hiện một cách đầy đủ, chính xác.
Với một doanh nghiệp Nhà nước như Công ty Nước sạch Hà Nội thì đây có thể coi là việc làm “ngây thơ”, thiếu ý thức về chủ quyền biển đảo.
Điều đáng lo hơn cả về việc sử dụng bản đồ sai lệch còn xuất hiện tại các trường đại học cũng như ký túc xá, làng sinh viên.
Trên website của Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội (hunre.edu.vn) cũng có “nhúng” link bản của google để chỉ dẫn vị trí của trường này. Khi người dùng, sinh viên click vào đường link của bản đồ này, thu nhỏ lại để quan sát toàn bộ Việt Nam thì hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị “thay tên đổi họ”. Nên nhớ, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có các khoa chuyên ngành về biển đảo ví dụ như: Khoa Khoa học biển và Hải đảo; Khoa Trắc địa bản đồ và thông tin địa lý…
Việc một trường đại học lớn, mỗi năm đào tạo cả ngàn sinh viên, trong đó có những sinh viên chuyên ngành về biển đảo, bản đồ… nhưng website chính thức của trường lại sử dụng bản đồ không đảm bảo chủ quyền quốc gia để chỉ dẫn địa chỉ là rất khó chấp nhận.
Website của Đại học Vinh (vinhuni.edu.vn) hiện cũng đang sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam làm chi tiết điểm nhấn trên logo của đơn vị này, tuy nhiên bản đồ theo dạng biểu tượng này đã không thể hiện được sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam vì không có đầy đủ các quần đảo.
Tại Làng Sinh viên Hacinco Hà Nội, đơn vị trực thuộc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội, mới đây nhất, phóng viên Ngày Nay cũng phát hiện sai sót rất đáng trách liên quan đến bản đồ Việt Nam. Tại đây tấm bản đồ cỡ lớn không có Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại hành lang của tòa nhà. Ngay sau khi những hình ảnh này được đưa lên mạng xã hội, Ban quản lý Làng sinh viên Hacinco đã ngay lập tức cho gỡ bỏ tấm bản đồ sai lệch kể trên.
Bản đồ không có đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Làng sinh viên Hacinco, Hà Nội |
Có thể nói, những sai sót đang diễn ra với tấm bản đồ Việt Nam, dù là bản đồ điện tử hay hình ảnh được chụp, vẽ lại thì đây cũng là vấn đề rất đáng báo động. Trên môi trường internet thì những sai sót kể trên có thể sẽ được các thế lực thù địch dùng để tuyên truyền phát tán thông tin sai lệch gây bất lợi cho Việt Nam trong đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo.
Hơn nữa, việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về toàn vẹn lãnh thổ ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.